Phát triển năng lượng tái tạo: Tích hợp để tăng giá trị
Năng lượng tái tạo (NLTT) và điện khí được Bạc Liêu xác định là một trong 5 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Hạ tầng chưa đáp ứng kịp nhu cầu
Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời (ĐMT) và điện khí đã được tỉnh triển khai rất quyết liệt. Đến nay, Bạc Liêu có 8 nhà máy điện gió đang vận hành cả trong đất liền lẫn trên biển, với tổng công suất hơn 469MW và trở thành tỉnh có các nhà máy NLTT lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 3 trong cả nước.
Tuy nhiên, việc phát triển NLTT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có. Việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm nên chưa tạo được điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư sản xuất trang thiết bị chuyên ngành Điện.
Đặc biệt, hệ thống lưới truyền tải điện của tỉnh còn thiếu và yếu. Đến nay, Bạc Liêu chỉ mới có đường dây 110kV, 220kV và chưa có đường dây 500kV. Do vậy, không đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các dự án nhà máy điện gió và cả dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW khi được triển khai trong tương lai.
Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện các dự án lưới điện truyền tải theo quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực. Việc bổ sung quy hoạch các dự án điện NLTT giai đoạn trước gặp nhiều khó khăn, do vướng thủ tục và khả năng truyền tải của lưới điện hạn chế. Cũng như, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc và hệ thống đường giao thông không đủ điều kiện để vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng, nhất là khu vực ven biển. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng logistics còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tất cả những khó khăn, bất cập trên đã làm cho nhiều nhà máy điện gió được đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng khi hoàn thành đi vào hoạt động lại phải thường xuyên bị cắt giảm công suất. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn điện, mà còn gây tổn thất rất lớn cho các chủ đầu tư và làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đây cũng là lực cản chính làm cho một số dự án NLTT khác phải tạm ngừng và giãn tiến độ, vì làm xong thì không biết phải truyền tải bằng đường nào!
Khai thác “giá trị tăng thêm”
Một trong những vấn đề cần được quan tâm trong phát triển NLTT ở Bạc Liêu chính là khai thác “giá trị tăng thêm”. Hiện nay, cả tỉnh chỉ có duy nhất Điện gió Hòa Bình với “bản giao hưởng của gió” đưa vào làm du lịch, còn lại các dự án NLTT khác gần như chỉ tập trung khai thác điện. Trong khi đó, các công trình NLTT sử dụng rất nhiều diện tích đất ruộng và cả đất ở khu vực bãi bồi ven biển.
Nếu tài nguyên đất từ các công trình NLTT này được quan tâm khai thác và sử dụng tốt sẽ mang về một nguồn thu không nhỏ cho tỉnh Bạc Liêu và tham gia giải quyết bài toán an sinh khi kết hợp với làm du lịch sinh thái, nuôi nghêu, sò và các loại thủy sản có lợi thế khác. Mặt khác, đây cũng là giải pháp để giúp các chủ đầu tư tăng thêm nguồn thu trong điều kiện phải cắt giảm công suất và phát huy giá trị tăng thêm từ công trình NLTT của mình.
Thực tiễn cho thấy, một số công trình NLTT đã phát huy hiệu quả khi áp dụng mô hình “tích hợp” vừa sản xuất điện, vừa tận dụng diện tích sẵn có để tăng thêm nguồn thu. Như trong nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu là vùng trọng điểm nuôi tôm đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng. Sự phát triển nóng của các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng nhiều nơi lại chưa được đầu tư lưới điện.
Trong khi đó, do nhu cầu sử dụng điện để nuôi tôm nên người dân tự kéo điện chia hơi ra đồng tôm gây mất an toàn trong sử dụng điện. Cũng như, nhiều nơi phải chạy máy phát điện làm tăng chi phí đầu tư và giá thành sản xuất. Vì nuôi tôm công nghệ cao, thường mật độ thả tôm dày nên phải liên tục chạy máy sục ôxy và chỉ cần cúp điện một giờ là tôm sẽ chết. Do vậy, mô hình điện mặt trời gắn với đồng tôm là giải pháp để hóa giải khó khăn này.
Theo nghiên cứu của kỹ sư Phạm Thị Bích Liên (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu): Việc kết hợp năng lượng mặt trời trong nuôi tôm đem lại rất nhiều lợi ích, như: tấm quang điện được lợp trên mái của ao lắng có thể làm giảm nhiệt độ ao, giảm ô nhiễm nước và giảm các chi phí xử lý nước trong nuôi tôm công nghệ cao. Đặc biệt là giúp nông dân giảm chi phí tiền điện và thời gian thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, góp phần cùng với Chính phủ thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải khí CO2 đến năm 2030.
Đến nay, Bạc Liêu có hơn 1.610 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà, với tổng công suất 183,954kWp, với diện tích dành cho các công trình ĐMT lên đến hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, cả tỉnh chỉ có vài doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao áp dụng mô hình này. Riêng các công trình ĐMT được đầu tư xây dựng ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A gần như chưa được đầu tư khai thác và các công trình này đều nằm đan xen với ruộng lúa. Vì vậy, việc nghiên cứu các mô hình nuôi cá nước ngọt hay trồng rau thủy canh để khai thác và phát huy tốt quỹ đất bỏ trống dưới các công trình ĐMT cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Để tháo gỡ khó khăn thiếu điện phục vụ cho nuôi tôm, ngành Điện đã đề xuất nghiên cứu và triển khai hệ thống ĐMT trong nuôi tôm. Ưu điểm của ĐMT là đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ. Cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện và lượng điện dư thừa sẽ truyền lên lưới điện quốc gia để bán lại cho ngành Điện.