Phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam

ThS. Bùi Thị Yên, Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh

Mặc dù là ngành ít gây ra ảnh hưởng đến môi trường nhất nhưng ngành Ngân hàng vẫn phải có những cam kết về môi trường và xem xét nghĩa vụ với môi trường gắn liền với hoạt động kinh doanh. Thông qua ngân hàng xanh, ngành Ngân hàng cũng đã thực hiện các hành động hướng đến phát triển bền vững. Bài viết trao đổi về ngân hàng xanh, tình hình phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Tổng quan ngân hàng xanh

Định nghĩa ngân hàng xanh

Năm 2009, khái niệm “Ngân hàng xanh” lần đầu tiên được đề cập tại Hoa Kỳ (Sharma và Choubey, 2022). Kể từ đó, ngân hàng xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu (Masud và cộng sự, 2018). Tuy nhiên, cho đến nay chưa có sự thống nhất trong định nghĩa về ngân hàng xanh. Ngân hàng xanh bao gồm tất cả các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường trong hoạt động của ngân hàng; ngân hàng xanh giúp chuyển đổi hình ảnh ngân hàng từ mục tiêu “lợi nhuận” duy nhất sang mục tiêu “lợi nhuận đi kèm trách nhiệm” (Bihari, 2010).

Ngân hàng xanh là thuật ngữ dùng để chỉ những ngân hàng có các hoạt động cắt giảm lượng khí thải carbon, giảm sử dụng giấy hay phân loại rác bảo vệ môi trường trong chính trụ sở của họ (Bihari và Pandey, 2015). Ngân hàng xanh được hiểu là cách thức cung ứng và đặc tính dịch vụ ngân hàng hướng tới hỗ trợ hoạt động có tác động tích cực đối với môi trường, giảm khí thải các-bon, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững (Kanak Tara & Ritesh Kumar, 2015). Theo nghĩa rộng, ngân hàng xanh là ngân hàng xây dựng được một chiến lược kinh doanh bền vững, thể hiện ở việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo trách nhiệm với môi trường và xã hội. Theo Lalon (2015), khái niệm ngân hàng xanh có thể được hiểu theo hai khía cạnh: (i) Ngân hàng thực hiện các hoạt động trực tiếp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường như sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, xử lý rác thải… (ii) Ngân hàng tác động gián tiếp đến môi trường thông qua việc tăng cường hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường.

Đặc điểm ngân hàng xanh

Nhóm Sáng kiến tài chính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP FI, 2016), ngân hàng xanh sẽ đóng góp gián tiếp cho việc xây dựng nền kinh tế “xanh” hay “bền vững” thông qua việc khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hay đầu tư các dự án kinh doanh thân thiện với môi trường.

Nghiên cứu của Lalon (2015) cho rằng, ngân hàng xanh có những đặc điểm chính như: (i) Triển khai các dịch vụ điện tử và tự động hóa; (ii) Ưu tiên cho vay hoặc đầu tư vào dự án có đánh giá các rủi ro liên quan đến môi trường; (iii) Quan tâm đến các mục tiêu xã hội, mục tiêu phát triển bền vững và phát triển xanh; (iv) Giám sát, hướng dẫn các dự án của khách hàng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; (v) Thay đổi năng lực đánh giá của cán bộ ngân hàng và khách hàng về các hoạt động thân thiện với môi trường...

Theo Masud và cộng sự (2018), ngân hàng xanh có đặc điểm chung là các ngân hàng có tài trợ các dự án hướng đến mục tiêu môi trường và phát triển bền vững.

Tình hình phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam

Khuôn khổ pháp lý từng bước hoàn thiện

Với vai trò trung gian tài chính, ngành Ngân hàng đã tham gia vào quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Ngày 24/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu về môi trường rõ ràng. Ngày 07/8/2018, NHNN tiếp tục ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay...

Ngày 23/12/2022, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngày 26/7/2023, NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu...

Ngày càng nhiều ngân hàng quan tâm dành cho nguồn lực xanh

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các TCTD đang ngày càng thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh. Theo đó, các NHTM đã liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án “xanh”.

Trong nhiều năm qua, Vietcombank xác định tăng trưởng gắn liền với yếu tố bền vững, cũng như cấp tín dụng cho các dự án xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng. Vietcombank tập trung mở rộng tín dụng xanh cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh và xử lý môi trường. Tính đến hết quý I/2024, dư nợ tín dụng xanh tại Vietcombank tiếp tục tăng lên và đạt 47.700 tỷ đồng; đạt 3,7% tổng dư nợ của Ngân hàng. Về các chương trình được tài trợ từ nguồn vốn xanh, trong năm 2023, Vietcombank đã tích cực triển khai chương trình cho vay lại các dự án xanh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường với tổng vốn 300 triệu USD...

Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng... Tính đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 28.277 tỷ đồng, với 42.883 khách hàng còn dư nợ.

BIDV hiện là ngân hàng cho vay dự án xanh có quy mô lớn nhất với danh mục khoảng 3 tỷ USD vào cuối năm 2023 và cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh để tài trợ doanh nghiệp. Hiện nay, BIDV có gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn thông thường, đặc biệt ưu đãi các các công ty đạt tiêu chuẩn xanh quốc tế.

Quy mô tín dụng xanh ngày càng lớn

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, cho lộ trình chống chịu và lộ trình phát thải ròng bằng 0. Để cung cấp được nguồn vốn này, hệ thống ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng. Dữ liệu từ NHNN cho thấy giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Theo Cấn Văn Lực (2024), tính đến hết quý I/2024, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 637.000 tỷ đồng (tại 47 TCTD), chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống TCTD và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Khó khăn, thách thức

Nghiên cứu của Phan Chung Thủy (2024) khảo sát 06 NHTM ở cả 02 khu vực tư nhân và nhà nước cho thấy, việc phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn, rào cản như: i) Mặc dù Chính phủ và NHNN đã có hướng dẫn chung về phát triển ngân hàng xanh nhưng vẫn còn thiếu các hướng dẫn chi tiết và đặc biệt là lộ trình thực hiện vẫn chưa được quy định cụ thể; ii) Thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện ngân hàng xanh, đặc biệt là sự thiếu phối hợp và hỗ trợ từ cơ quan quản lí nhà nước và các tổ chức quốc tế khiến cho các ngân hàng gặp khó khăn trong giai đoạn triển khai các dự án hay sản phẩm xanh; iii) Hiệu quả của các dự án đầu tư xanh không cao với thời gian hoàn vốn tương đối dài và vì thế đã gây ra rủi ro cho ngân hàng tài trợ; iv) Các vấn đề liên quan đến năng lực vận hành của NHTM khi áp dụng ngân hàng xanh; v) Các hoạt động tập trung vào phát triển ngân hàng xanh dường như bị trì hoãn trong bối cảnh khó khăn kinh tế của tất cả các ngành sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc.

Theo Kỳ Phong (2023), việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các TCTD Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế.

Thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các TCTD được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Đề xuất giải pháp

Đối với cơ quan quản lý

- Tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo...

- Tiếp tục có các chính sách khuyến khích các NHTM cấp tín dụng ưu đãi (về hạn mức, lãi suất) cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh…; đặt mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện của Việt Nam về tỷ lệ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng.

- Sớm ban hành quy định phân loại và xác nhận dự án xanh, xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế để các ngân hàng chủ động trong việc cho vay.

Đối với các ngân hàng thương mại

- Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ phía Ban lãnh đạo của mỗi ngân hàng. Việc tăng cường các cam kết của ban lãnh đạo cấp cao phải được xem là yếu tố tiên quyết bởi vì ngân hàng xanh chỉ có thể triển khai một cách hiệu quả khi mà tầm nhìn chiến lược và chương trình hành động được Ban Lãnh đạo xác định rõ ràng. Đồng thời, cần nâng cao năng lực của nhân viên các bộ phận trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến ngân hàng xanh.

- Tăng cường đánh giá tác động của các dự án đến môi trường, xã hội như: Thẩm định yếu tố rủi ro về môi trường và an sinh xã hội của dự án trước khi cấp tín dụng; loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường xã hội; định kỳ kiểm tra, giám sát việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với khoản tín dụng đã cấp cho khách hàng.

- Tập trung đổi mới hoạt động nội bộ theo hướng thân thiện với môi trường thông qua việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, văn phòng phẩm; xử lý rác thải theo quy chuẩn; ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, trao đổi văn bản điện tử và họp trực tuyến.

Tài liệu tham khảo:

  1. Kỳ Phong (2023), Mở lối cho ngân hàng xanh. Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43 năm 2023 phát hành ngày 23/10/2023;
  2. Hằng Nga (2024), Ngân hàng tiên phong dẫn vốn trong cuộc “cách mạng xanh”. Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-tien-phong-dan-von-trong-cuoc-cach-mang-xanh-154992.html;
  3. Phan Chung Thủy (2024), Phát triển ngân hàng xanh nhằm tạo động lực cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-ngan-hang-xanh-nham-tao-dong-luc-cho-phat-trien-ben-vung-o-vietnam.htm;
  4. Tuấn Nguyễn (2024), Agribank góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/agribank-gop-phan-thuc-day-tang-truong-tin-dung-xanh-149258-149258.html.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2024