Giải pháp nâng cao ý định thực hiện ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

ThS. Nguyễn Thanh Trúc - Trường Đại học Trà Vinh

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Số liệu sơ cấp được thực hiện bằng cách phỏng vấn theo bảng câu hỏi với 300 nhân viên đang làm việc tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Sử dụng mô hình hồi quy đa biến để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện ngân hàng xanh, kết quả nghiên cứu cho thấy có 8 biến có ảnh hưởng đến ý định thực hiện ngân hàng xanh là Kết quả kỳ vọng, Nỗ lực kỳ vọng, Ảnh hưởng xã hội, Điều kiện thuận lợi, Quan tâm môi trường, Chính sách, Hiệu quả kinh tế và Nhân viên ngân hàng.

Giới thiệu

Cùng với xu thế phát triển bền vững toàn cầu, ngành Ngân hàng đang đóng vai trò vô cùng quan trọng với cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản về tín dụng phù hợp với bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh, cụ thể: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về Đề án phát triển ngân hàng xanh (NHX) tại Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 7/01/2019 về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Quyết định số 1124/QĐ-NHNN Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó, có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít cacbon… Đây là quy định có tính chất định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển NHX tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp và hỗ trợ tích cực cho quá trình tăng trưởng xanh của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp nâng cao ý định thực hiện NHX tại các NHTM trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là cần thiết, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển NHX theo quyết định số 1604/QĐ-NHNN.

Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu dựa trên lý thuyết về hành vi tiêu dùng (Philip Kotler, 2004), Mô hình hợp nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (Unified Theory of Acceptance and Use of Technology – UTAUT). Dựa trên lược khảo các nghiên cứu của Mohamed Bouteraa và cộng sự (2020), Nischal Risal (2018), Shaumya và Arulrajah (2017), Hà Nam Khánh Giao (2020), Đặng Anh Tuấn (2020), Đỗ Hoài Linh (2019), Nguyễn Thị Thủy (2019), Nguyễn Thị Lệ Huyền (2019), Nguyễn Thị Đoan Trang (2018), Trần Thị Thanh Tú (2017), Trần Minh Khôi (2018), nhóm tác giả đề xuất Mô hình nghiên cứu gồm 8 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc, sử dụng hồi quy đa biến để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện NHX tại các NHTM trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Kết quả nghiên cứu

Kiểm định độ tin cậy của các thang đo

Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy của các thang đo

Tên biến

Mô tả

Số lượng các biến quan sát

Cronbach’s alpha

KQKV

Kết quả kỳ vọng

6

0,814

NLKV

Nỗ lực kỳ vọng

4

0,791

AHXH

Ảnh hưởng xã hội

4

0,831

DKTL

Điều kiện thuận lợi

3

0,778

QTMT

Quan tâm đến môi trường

5

0,842

HQKT

Hiệu quả kinh tế

7

0,810

CHSACH

Chính sách

5

0,819

NVIEN

Nhân viên ngân hàng

4

0,817

YDINH

Ý định thực hiện ngân hàng xanh

4

0,839

Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS

Từ Bảng 1, kết quả kiểm định cronbach’s alpha của các biến nghiên cứu đều có hệ số Cronbach’s alpha của các biến độc lập đều > 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng > 0,3, phù hợp dùng phân tích EFA.

Kết quả phân tích nhân tố EFA

Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy

Biến số

Hệ số ước lượng

Giá trị t

Sig.

VIF

Hằng số

-.023

-.137

.891

 

KQKV

0,070

2,986

0,003

1,051

NLKV

0,112

4,769

0,000

1,051

AHXH

0,057

2,830

0,005

1,051

DKTL

0,084

3,727

0,000

1,544

QTMT

0,145

7,013

0,000

1,321

HQKT

0,176

6,573

0,000

1,529

CHINHSACH

0,148

5,954

0,000

1,406

NVIEN

0,131

7,017

0,000

1,066

R

 

0,809

   

R2

 

0,655

   

R2 hiệu chỉnh

 

0,645

   

Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS

Kết quả phân tích nhân tố EFA của các biến độc lập cho kết quả kiểm định KMO = 0,807> 0,5: phân tích nhân tố thích hợp với dữ liệu nghiên cứu. Kết quả kiểm định Bartlett's là 4539,953 với mức ý nghĩa sig = 0,000< 0,05 cho thấy dữ liệu nghiên cứu là hoàn toàn thích hợp. Tổng phương sai trích là 60,567% > 50%: đạt yêu cầu. Khi đó, có thể nói rằng, 1 nhân tố này giải thích 60,567% biến thiên của dữ liệu. Giá trị của hệ số Eigenvalues của nhân tố lớn hơn 1 là phù hợp.

Phân tích tương quan

Kết quả phân tích tương quan cho thấy, mối tương quan giữa 6 yếu tố cấu thành thang đo. Các giá trị Sig. đều nhỏ hơn 0,05 nên các yếu tố này đề có ý nghĩa về mặt thống kê. Tất cả các biến đều được đưa vào phân tích hồi quy.

Phân tích hồi quy

Hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,655, có nghĩa là 65,5% sự biến thiên của ý định thực hiện NHX được giải thích bởi các biến độc lập được đưa vào mô hình. Thêm vào đó, giá trị Sig. là 0,000 < 5% và nên có thể kết luận mô hình đưa ra phù hợp với thực tế.

Nhân tố phóng đại phương sai (VIF) chỉ dao động từ 1,051 đến 1,544 (tất cả đều nhỏ hơn 10) và hệ số Sig. dưới 0,05 nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Kết quả hồi quy cho thấy, ở độ tin cậy 95%, tất các biến độc lập đều ảnh hưởng đến biến phụ thuộc. Nói cách khác, tất cả các biến độc lập đều có ảnh hưởng đến ý định thực hiện NHX theo thứ tự lần lượt Hiệu quả kinh tế (hệ số ước lượng 0,176), Chính sách (hệ số ước lượng 0,148), Quan tâm đến môi trường (hệ số ước lượng 0,145), Nhân viên ngân hàng (hệ số ước lượng 0,131), Nỗ lực kỳ vọng (hệ số ước lượng 0,112), Điều kiện thuận lợi (hệ số ước lượng 0,084), Kết quả kỳ vọng (hệ số ước lượng 0,070) và Ảnh hưởng xã hội (hệ số ước lượng 0,057)

Giải pháp nhằm nâng cao ý định thực hiện ngân hàng xanh

Với các kết quả nghiên cứu nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao ý định thực hiện NHX tại các NHTM trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gồm:

Nâng cao nhận thức của nhân viên về ngân hàng xanh

Để có thể thực hiện thành công NHX thì việc cần làm đầu tiên là nâng cao nhận thức của nhân viên ngân hàng, đặc biệt là các nhà quản lý. Các NHTM tại Trà Vinh cần xây dựng chiến lược và lộ trình cụ thể để thực hiện chiến lược phát triển NHX cho phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng như tạo nên môi trường làm việc nội bộ tốt, xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro môi trường cụ thể, hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi để việc thực hiện hoạt động NHX phù hợp với phong cách làm việc của nhân viên; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực hướng đến hình ảnh nhân viên NHX có trách nhiệm xã hội.

Nâng cao năng lực cán bộ quản lý, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xanh

Các NHTM xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu, chiến lược phát triển NHX; Nâng cao kỹ năng, kiến thức cho nhân viên trong thực hiện quản lý rủi ro về môi trường – xã hội từ đội ngũ quản lý cấp cao đến cán bộ chuyên trách; Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên thực hiện các khoản cho vay liên quan đến tín dụng xanh.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

Tổ chức các cuộc thi liên quan đến các hoạt động bảo vệ môi trường sống nhằm nâng cao nhận thức cho các nhân viên về lợi ích của các hoạt động NHX được thực hiện ngay chính trong ngân hàng; Công bố công khai chính sách môi trường, tiêu chuẩn để có được các khoản tín dụng xanh.

Tăng cường chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển ngân hàng xanh

Ban hành các tiêu chuẩn, các điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động NHX; Tăng cường công tác truyền thông về vai trò, sự cần thiết phải phát triển NHX vì mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xanh: các khoản đầu tư thúc đẩy sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện gió, năng lượng mặt trời,…

Áp dụng công nghệ mới trong hoạt động ngân hàng

Xây dựng trụ sở xanh giúp nâng cao nhận thức của cả nhân viên và khách hàng về hoạt động NHX, giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu của ngân hàng và tăng lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Các NHTM cần phải nỗ lực để hoàn thiện hệ thống, thường xuyên nâng cấp công nghệ máy tính nhằm gia tăng tính chính xác, an toàn và bảo mật của hệ thống thông tin, xem xét ứng dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí in ấn…

Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ xanh

Các NHTM trang bị thêm chức năng nộp tiền mặt vào tài khoản tại hệ thống ATM; Phát hành các loại thẻ với vật liệu dễ phân hủy, dễ tái sử dụng. Phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thu chi hộ.

Nâng cao nhận thức của khách hàng về hoạt động ngân hàng xanh

Các NHTM tiếp tục thực hiện quảng bá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử để khách hàng có thể biết đến những lợi ích mang lại cho khách hàng. Khi có được sự ủng hộ, tin tưởng, đồng hành của khách hàng sẽ thúc đẩy cho việc xây dựng ngân hàng trở thành một ngân hàng xanh vững chắc và hiệu quả hơn trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

  1. NHNN, Quyết định số 1640/QD-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (ngày 07/8/2018);
  2. NHNN, Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lỷ rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (ngày 24/3/2015);
  3. Nguyễn Thân Hoài My, 2016, Hoạt động ngân hàng xanh trong các Ngân hàng TMCP tại TP. Hồ Chí Minh, Công trình dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ XVIII năm 2016 do Ban Chấp hành đoàn Thanh niên Cộng sản TP. Hồ Chí Minh tổ chức;
  4. Afrin Rifat and Nabila Nisha, Mehree Iqbal, Adisak Suviitawat 2016, The role of commercial banks in green banking adoption: a Bangladesh perspective, https://www.inderscienceonline.com/doi/abs/10.1504/IJGE.2016.081906;
  5. DeVellis RF. Scale development: Theory and applications. Vol. 26. Thousand Oaks, CA: Sage Publications; 2012.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023