Phát triển nguồn nhân lực hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới
Phát triển nguồn nhân lực có tầm quan trọng đặc biệt, là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại trong hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số là thực tiễn tất yếu, đưa kinh tế - xã hội phát triển, đem đến cho con người một cuộc sống mới, hiện đại hơn. Trong bối cảnh đó, ngân hàng là một trong các lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số, là cơ sở nền tảng cho các ngành nghề, lĩnh vực khác tiến tới công cuộc đổi mới. Điều này trở thành một thách thức đối với phát triển nguồn nhân lực trong các ngân hàng.
Vai trò của nguồn nhân lực trong ngân hàng thương mại
Nguồn nhân lực là nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, thiết lập các kế hoạch, chương trình, dự án, xây dựng các quy trình nghiệp vụ, các quy tắc ứng xử, là nền tảng định hướng cho toàn bộ các hoạt động trong ngân hàng thương mại. Đây cũng là chủ thể vận hành hệ thống, điều khiển hạ tầng công nghệ, thực thi các kế hoạch theo quy trình đã định; làm việc với cơ quan nhà nước, với đối tác và các khách hàng, tương tác với đồng nghiệp, kiểm soát các dòng luân chuyển tiền tệ và các nguồn lực khác thuộc trách nhiệm quản lý của ngân hàng thương mại (NHTM).
Nguồn nhân lực còn là nguồn sản sinh các ý tưởng mới, các sáng kiến giúp ngày càng hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, từ đó nâng cao hiệu suất hệ thống, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro cho NHTM. Yếu tố này cũng là năng lượng để từng bước kết tinh các giá trị văn hóa doanh nghiệp, xây dựng và gìn giữ thương hiệu, bản sắc của NHTM.
Nguồn nhân lực với khả năng với vận động tự thân kết hợp với chính sách phát triển nguồn nhân lực của tổ chức, liên tục thay đổi để thích nghi với môi trường mới, công nghệ mới; đặc biệt thông qua đó bồi dưỡng lên những cá nhân ưu tú, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, là kế cận cho sự phát triển bền vững của NHTM.
Có thể thấy, cũng giống như ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề khác của cuộc sống, nguồn nhân lực là động lực, là mục tiêu cho sự phát triển trong NHTM.
Sự cần thiết phát triển nguồn nhân lực hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới
Phát triển nguồn nhân lực luôn là tất yếu trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng nhất của các ngân hàng và doanh nghiệp, giúp các tổ chức giữ vị thế cạnh tranh trên thị trường. Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao nguồn nhân lực là yếu tố cần thiết. Các tổ chức cần có một chiến lược cụ thể để quản lí và phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đang làm thay đổi nhanh chóng mô hình nghiệp vụ, kinh doanh của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Các ngân hàng truyền thống đang dần thích ứng, tích hợp các công nghệ số mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)... vào sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ nội bộ của mình. Qua đó, các ngân hàng cung ứng nhiều dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, cá nhân hóa cao hơn và tăng cường trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch hơn cho khách hàng, dẫn đến những tác động mạnh mẽ về cấu trúc lao động.
Sự chuyển dịch của cấu trúc lao động trong ngành Ngân hàng do tác động của chuyển đổi số dẫn đến xuất hiện thêm các vị trí công việc liên quan tới công nghệ; những công việc lặp đi lặp lại và không cần tính sáng tạo sẽ bị thay thế bởi robot và hệ thống tự động hóa; nhiều vị trí công việc sẽ chuyển hóa do ứng dụng công nghệ trong nghiệp vụ, quy trình xử lí. Sự chuyển dịch này làm gia tăng khoảng 8 - 9% nhu cầu về chất lượng, số lượng nguồn nhân lực lĩnh vực tài chính đến năm 2030 (McKinsey, 2020). Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF, 2020), có khoảng 65% công việc mới xuất hiện liên quan tới chuyển đổi số và khoảng 56% số lao động tại Đông Nam Á trong 20 năm tới có nguy cơ mất việc nếu không được trang bị kĩ năng, không đáp ứng được nhu cầu mới. Do đó, phát triển nguồn nhân lực luôn là một trong các nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức, doanh nghiệp.
Thực trạng phát triển nguồn nhân lực hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới
Số lượng, trình độ nhân lực
Theo Báo cáo thống kê hàng năm do Vụ Tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện, tính đến thời điểm cuối 2022, toàn ngành Ngân hàng ước tính có 456.614 người, với cơ cấu trình độ như sau: Tiến sĩ là 569 người, chiếm 0,16%; Thạc sĩ là 20.286 người, chiếm 5,85%; Đại học là 263.927 người, chiếm 76,16%; Cao đẳng là 23.453 người, chiếm 6,77%; Trung cấp là 20.054 người, chiếm 5,79%; Số còn lại (sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo) là 18.325 người, chiếm 5,29%. Số liệu trên cho thấy, nhân lực qua đào tạo chuyên môn có trình độ từ cao đẳng trở lên của ngành Ngân hàng chiếm đa số; so với các ngành khác là khá cao.
Quy mô nguồn nhân lực của các NHTM được mở rộng, số lượng nhân lực liên tục tăng qua các năm đáp ứng được việc tăng quy mô hoạt động mở rộng màng lưới kinh doanh. Chất lượng nguồn nhân lực của NHTM ngày càng cao: năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ của cán bộ được nâng lên không chỉ ở năng lực thực tiễn, kỹ năng, kết cấu về trình độ, bằng cấp thay đổi mà quan trọng hơn, hầu hết đội ngũ cán bộ đã dần thoát khỏi tư duy bao cấp, định hình tư duy kinh doanh với nhận thức, hiểu biết cơ bản về ngân hàng hiện đại.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành Ngân hàng
Theo Số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2018- 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 60 trường đại học đào tạo ngành Tài chính- Ngân hàng. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành Tài chính- Ngân hàng của các trường đại học là khoảng 20.000- 25.000 sinh viên. Trong đó 02 trường đại học của Ngành Ngân hàng tuyển 7000-7500 sinh viên. Ngoài ra còn có 06 trường cao đẳng đào tạo ngành Tài chính- Ngân hàng; tuy nhiên, số lượng đào tạo bậc cao đẳng không nhiều, có xu hướng thu hẹp.
Ứng dụng công nghệ số trong ngành Ngân hàng là lĩnh vực mới, đòi hỏi đào tạo chuyên sâu, có hệ thống để quản lý, vận hành, phát triển trong ngân hàng. Ngay từ đầu những năm 2000, Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, 02 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc NHNN, đã mở ngành đào tạo nhân lực cho CNTT ngành Ngân hàng (Hệ thống thông tin quản lý). Hiện 02 cơ sở giáo dục đại học này đều chú trọng gia tăng hàm lượng công nghệ trong chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác với các NHTM, các công ty chứng khoán, các hiệp hội nghề nghiệp trong đào tạo sinh viên. Các hợp tác này đã mang lại cơ hội cho sinh viên, giảng viên tiếp cận các hệ thống nghiệp vụ sử dụng CNTT tiên tiến, được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Công tác tuyển dụng
Công tác tuyển dụng tại hầu hết NHTM Việt Nam được xây dựng và thực hiện một cách bài bản với hệ thống văn bản quy định rõ ràng, đầy đủ, chi tiết. Chính sách tuyển dụng có tính hệ thống, đồng bộ, logic, đảm bảo tính công bằng, công khai, kịp thời, công tác tuyển dụng bám sát quy định, chính sách tuyển dụng của NHTM. Chính sách tuyển dụng của các NHTM ngày càng được hoàn thiện, hàng năm thu hút được nhiều cán bộ trẻ, có chất lượng, được đào tạo có hệ thống, bổ sung kịp thời nhu cầu lao động thiếu ở các vị trí nghiệp vụ chủ yếu, góp phần trẻ hóa và từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hiện nay, công tác tuyển dụng nhân lực tại các NHTM hầu hết được thực hiện tập trung hóa tại Ban tổ chức cán bộ. Ban tổ chức cán bộ là đơn vị đầu mối xem xét, trình phê duyệt định biên lao động của từng đơn vị trên cơ sở kế hoạch kinh doanh/hoạt động hàng năm của hệ thống cũng như của từng đơn vị và tổ chức tuyển dụng tập trung thành các đợt trong năm.
Công tác quản lý, sử dụng cán bộ
Chính sách quản lý, sử dụng cán bộ của hầu hết NHTM Việt Nam được thực hiện công khai, rõ ràng, dễ hiểu đến người lao động trong toàn hệ thống. Công tác quản lý, sử dụng cán bộ ở các NHTM đã bám sát quy định quản lý sử dụng cán bộ, bước đầu đã được tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa đi vào nề nếp và khá đồng bộ từ việc sắp xếp, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ đảm nhận các vị trí quản lý điều hành, các khâu nghiệp vụ duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, từng bước phát triển đến việc đánh giá cán bộ trên cơ sở lấy kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu; quy hoạch để có đủ nguồn kế cận; có cơ chế sàng lọc, xử lý thanh loại những cán bộ yếu kém về năng lực, vi phạm nội quy lao động góp phần nâng cao chất lượng cán bộ để sử dụng có hiệu quả. Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo và nhân viên được các NHTM thực hiện thường xuyên.
Công tác đào tạo cán bộ ngân hàng
Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở hầu hết các NHTM được quy trình hóa đầy đủ, chi tiết để áp dụng đồng bộ trong toàn hệ thống, nêu đầy đủ các hình thức đào tạo, đối tượng được tham gia đào tạo.
Công tác đạo tạo phát triển nguồn nhân lực ở các NHTM đã được đẩy mạnh, quan tâm thường xuyên; phát huy nội lực tự đào tạo là chính với hình thức, nội dung, đối tượng đào tạo khá phong phú, đồng bộ đáp ứng nhu cầu nâng cao, bổ sung cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực quản lý điều hành, kiến thức ngoại ngữ, kiến thức công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, triển khai dự án hiện đại hóa ngân hàng cũng như chuẩn bị đội ngũ nguồn nhân lực có đủ các tố chất cần thiết để hội nhập.
Các NHTM đã chuẩn hóa quy trình nội bộ từ công tác triển khai đào tạo, phát triển bài giảng, tổ chức hậu cần và hoạt động tài vụ. Chuẩn hóa mẫu biểu Toolkit cho cán bộ quản lý lớp, mẫu biểu và chuẩn định mức cho cán bộ hỗ trợ hậu cần, hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán, các mẫu biểu, hợp đồng, báo cáo luôn được hoàn thiện.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng luôn có tính cấp thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững của Ngành cũng như đáp ứng nhu cầu đổi mới của kinh tế - xã hội. Với thời đại kinh tế số, xã hội số thì năng lực số là một trong những kĩ năng bắt buộc đối với nhân lực ngành Ngân hàng.
Do đó, cần kết nối cán bộ, nhân viên với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi nền kinh tế số, chuyển đổi tổ chức số. Để làm được điều này, các tổ chức tài chính - ngân hàng cần tiếp tục tổ chức các hội thảo thường niên về chuyển đổi số; tham quan, thực tập, trao đổi, làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp số trong và ngoài nước giúp nhân viên thấy rõ được vai trò, ưu điểm, xu thế của chuyển đổi số, tạo niềm tin của nhân viên vào tương lai chuyển đổi số, giúp họ thấy được vai trò trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tổ chức mình.
Các tổ chức thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng cần tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển các kĩ năng số cho cán bộ, nhân viên. Theo đó, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm số, các ứng dụng số hay môi trường làm việc số. Trên cơ sở đó, tạo động lực (áp lực) cần thiết phải thay đổi, phải trau dồi kiến thức, kĩ năng số để tiếp tục tham gia vào hoạt động của tổ chức.
Kết luận
Nâng cao năng lực nguồn nhân lực được coi là một trong các nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Trong đó, năng lực số là kĩ năng vô cùng cần thiết đáp ứng sự canh tranh và hội nhập trong thời đại công nghệ 4.0. Các giải pháp được nhóm tác giả nghiên cứu và tổng hợp, đề xuất dựa trên tính tất yếu của phát triển nguồn nhân lực nói chung trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0. Để thúc đẩy hoàn thiện kĩ năng số cho nhân viên ngành Ngân hàng, các ngân hàng cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.
Tài liệu tham khảo:
- Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh (2012), Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
- Nguyễn Ngọc Quân (2009), Giáo trình Quản trị nguồn nhân lực, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội;
- Viện Năng suất Việt Nam - Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam năm 2015;
- Báo cáo tài chính riêng lẻ quý/năm giai đoạn 203 - 2016 nhóm 10 ngân hàng so sánh;
- Quyết định của NHNN Việt Nam: Về phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng giai đoạn 2011-2020.