Phát triển nông nghiệp: Dư địa tăng trưởng nằm ở giá trị vô hình
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan trong buổi làm việc với lãnh đạo 13 Sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới đây.
Tư duy ngắn hạn thì không thể bền vững
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ví dụ cụ thể như hiện nay năng suất lúa đã đạt 7-10 tấn/ ha, khó có thể tăng thêm nữa. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng ít đi và như thế không thể đặt mục tiêu tăng sản lượng lúa. Vì vậy, ông phân tích nếu muốn có tăng trưởng cho ngành hàng này thì phải gia tăng hàm lượng chất xám trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu để nâng cao giát trị hạt gạo.
"Tương tự với ngành lúa gạo thì ngành nuôi trồng thủy sản, trồng trọt cũng phải định hướng phát triển theo hướng liên kết chuỗi, đa giá trị. Trong thời gian qua các ngành sản xuất nông nghiệp phát triển riêng lẻ, manh mún và chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn rất yếu kém. Đặc biệt là khâu xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm, nhiều sản phẩm xuất khẩu phải 'đội lốt' thương hiệu của quốc gia khác, đây là điều rất đáng buồn", Bộ trưởng trăn trở.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong thời gian qua các cơ quan quản lý đã quá dễ dãi trong sản xuất nông nghiệp nên để người nông dân tự do sản xuất với tư duy ‘thích thì làm’ nhưng đến lúc "thừa hàng, dội chợ" thì mới kêu nhà nước "giải cứu", tư duy ngắn hạn nhờ vào vận may của thị trường thì không thể phát triển bền vững.
"Nhằm khắc phục những điểm yếu của ngành nông nghiệp, mới đây, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên có một chiến lược mang tính chất dài hạn, chứ không phải chỉ dừng lại ở kế hoạch 5 năm nữa", vị Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với chiến lược nêu trên, theo Bộ trưởng Hoan, ngành nông nghiệp sẽ dần thoát khỏi tư duy mùa vụ, tư duy thương vụ, tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đồng thời, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận xu thế của một nền kinh tế nông nghiệp mới, đó là nông nghiệp xanh, bền vững, có trách nhiệm.
Nhân rộng mô hình sản xuất xanh, giá trị kinh tế cao
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ĐBSCL tuy là vùng trù phú về sản xuất nông nghiệp nhưng cũng là vùng phải gánh chịu nhiều rủi ro do thiên tai, biến đổi khi hậu, nước biển dâng. Do đó, tư duy ỷ lại là vùng được thiên nhiên ưu đãi, "chim trời, cá nước, làm chơi, ăn thiệt" đã không còn phù hợp.
"Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang đứng trước yêu cầu rất cao, đó không chỉ là sản phẩm tốt nhất, giá thành rẻ nhất mà còn phải có trách nhiệm với cộng đồng trong bảo vệ môi trường, đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn, hài hòa lợi ích cho các "mắt xích" tham gia chuỗi, trong đó đặc biệt là vai trò của người nông dân". Bộ trưởng Hoan lưu ý.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đã đến tham quan mô hình "tôm sạch - lúa an toàn" tại tỉnh Bạc Liêu và tham dự hội thảo đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình này.
Những năm gần đây, diện tích sản xuất tôm lúa tại tỉnh tỉnh Bạc Liêu không ngừng được nhân rộng. Đây là mô hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm đã được các nhà khoa học và ngành chuyên môn đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa thân thiện môi trường vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện địa phương đã phát triển mô hình sản xuất này trên diện tích khoảng 40.000 ha và sẽ tiếp tục mở rộng khi dự án thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn II được hoàn thành cùng với một số hệ thống cống ngăn mặn phía bắc Quản Lộ - Phụng Hiệp được khép kín. Mô hình lúa tôm trong thời gian qua đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, lợi nhuận ròng trên 60 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với chỉ sản xuất một vụ lúa như trước đây.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho hay, mô hình tôm lúa của Việt Nam được tổ chức quốc tế FAO, các nước ASEAN đánh giá rất cao. Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, "lúa thơ - tôm sạch" là một nhãn hiệu hiệu, hướng rới một nền nông nghiệp sinh thái bền vững đa giá trị; là một sản phẩm mang thương hiệu ‘nông nghiệp xanh’ của Việt Nam.
Tại hội thảo nhân rộng mô hình lúa - tôm, lãnh đạo các địa phương có thế mạnh trong phát triển mô hình này như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang … đều kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư sớm các dự án thủy lợi kiểm soát mặn, giữ ổn định vùng sinh thái cho phát triển nhân rộng mô hình này tại các huyện ven biển.