Phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0
Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.
Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành Nông lâm thủy sản đạt 3,38% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Với kết quả này, ngành Nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiều 23/7, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại liên quan đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành Nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp), yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Đó là năng suất đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra… đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần...
Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu...
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên, nên cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh.
Sự phát triển của công nghệ 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành Nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị về kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đề xuất Chính phủ cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Đồng thời, áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cũng đưa ra đề xuất Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “công – tư”. Đồng thời, sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới.
Các nhà quản lý, các chuyên gia tại Diễn đàn đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0, trong đó đề xuất tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh; tiếp tục triển khai sát với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trạng trại của mình để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp. Cần lựa chọn và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh; Mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI và dự án ODA về nông nghiệp thông minh để tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ, cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, nhưng hiệu quả…