Ngành Tài chính huy động tổng lực nhằm:

Phát triển sản xuất kinh doanh và ổn định kinh tế - xã hội

PV.

(Tài chính) Ngành Tài chính thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ, trong 9 tháng năm 2014, Ngành đã huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt kết quả đáng kể.

Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2014 nhiếu tín hiệu vui. Nguồn: internet
Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2014 nhiếu tín hiệu vui. Nguồn: internet
1. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm:

- Công tác điều hành thu NSNN: ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác chống thất thu cho ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế; phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Chỉ riêng cơ quan Thuế: Tính đến tháng 9/2014, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 39 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2013; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 7.440 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 5.278 tỷ đồng, bằng 70,9% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và tăng 30,7 % so với cùng kỳ năm 2013.

Đối với cơ quan Hải quan, công tác xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại cũng được thực hiện kịp thời và nghiêm minh, bên cạnh đó với vai trò thường trực ban 389 của Chính phủ, Hải quan đã phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức hoạt động có hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tính đến tháng 9, cơ quan Hải quan đã phát hiện bắt giữ trên 12 nghìn vụ vi phạm, giá trị ước tính trên 205 tỷ đồng, khởi tố 46 vụ án hình sự (cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 13 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 33 vụ), thu nộp NSNN khoảng 75 tỷ đồng.

- Công tác điều hành chi NSNN:

Ngành Tài chính thực hiện quản lý chặt chẽ các khoản chi; điều hành NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi. Bên cạnh đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vướng mắc trong việc thực hiện các dự án khởi công mới thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành văn  bản hướng dẫn việc quản lý thanh toán vốn đầu tư năm 2014 và các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ....

Trong tháng 9, Bộ Tài chính tập trung giám sát, đôn đốc việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2014 tại các bộ, ngành, địa phương; kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, trong đó:

+ Hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương thực hiện mua sắm ô tô phục vụ công tác (công văn số 12274/BTC-QLCS ngày 3/9/2014 của Bộ Tài chính), theo đó các bộ, ngành và địa phương chỉ được mua sắm xe ô tô phục vụ công tác đối với trường hợp: đơn vị thành lập mới mà không có xe ô tô để điều chuyển hoặc do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe ô tô phục vụ công tác.

+ Yêu cầu KBNN các cấp tăng cường tập trung thu NSNN và kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN, trong đó: phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế, Hải quan rà soát các thủ tục hành chính, hồ sơ chứng từ thu NSNN để giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong thu NSNN, đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu NSNN; tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức và dự toán ngân sách được giao, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không đúng chế độ, chi vượt dự toán, ngoài dự toán, chi mua ô tô công không đúng quy định.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, cơ quan Kho bạc Nhà nước đã: (i) thực hiện kiểm soát đối với gần 567.700 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, qua đó phát hiện khoảng 27.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, xử lý tạm dừng chưa thanh toán khoảng 31 tỷ đồng; (ii) từ chối thanh toán khoảng 58,7 tỷ đồng đối với các khoản chủ đầu tư đề nghị thanh toán sai danh mục và mức vốn được giao, phê duyệt quyết định đầu tư muộn so với thời hạn quy định (sau ngày 31/10/2013)...

2. Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường:

Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn  triển khai thực hiện Luật giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách giá, cơ chế quản lý giá điều hành giá của Nhà nước, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin về công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Trong đó:

- Giữ ổn định Giá điện; kiên quyết thực hiện giá thị trường từ ngày 01/8/2013 đối với than bán cho sản xuất điện để đảm bảo bù đắp được giá thành sản xuất than.

Điều hành linh hoạt giá xăng dầu: Tiếp tục giám sát, điều hành thị trường xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến thị trường thế giới. Tính từ đầu năm đến nay giá xăng dầu được điều hành linh hoạt với 17 lần điều hành giữ ổn định hoặc giảm, 5 lần điều chỉnh tăng, kết hợp sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân - doanh nghiệp và Nhà nước. Riêng trong tháng 9 (ngày 9/9/2014 và ngày 19/9/2014) Bộ Tài chính  đã 2 lần yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giảm giá xăng dầu phù hợp với thực tế.

- Điều hành nhằm ổn định và giảm giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi: trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, Chính phủ đã có Nghị quyết thống nhất áp dụng có thời hạn biện pháp đăng ký giá và quy định quản lý giá tối đa. Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/05/2014 về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có hiệu lực từ 01/06/2014. Đến nay, giá bán lẻ tại các thị trường cơ bản đã thực hiện giảm, mức giảm giá khoảng từ 0,3 – 26%. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác quản lý giá đối với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng hình thức kê khai giá theo quy định, trong tháng 9 Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết danh mục về thực phẩm chức năng này.

3. Đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân:

Bộ Tài chính đã đảm bảo nguồn để chi trả đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, từ đầu năm đến nay đã xuất cấp trên 78,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt và hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

4. Thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:

Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và trình xin ý kiến Quốc hội về Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Triển khai Nghị quyết của chính phủ, trong tháng 9, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, trong đó quy định:

- Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sở hữu hoặc cùng DNNN khác sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định một hoặc một số ngân hàng thương mại nhà nước theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được chỉ định xem xét, mua lại cổ phần của DNNN nếu thoái vốn không thành công khỏi ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm. Đối với vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc đầu tư vốn để xem xét, quyết định.

Tính từ đầu năm đến tháng 9/2014 cả nước đã sắp xếp được 52 doanh nghiệp, trong đó 49 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, bán 01 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

5. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật: 

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan và Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra để giúp các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh. Tính đến hết 19/9/2014 số doanh nghiệp bị thiệt hại của 4 địa phương (Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh và Thành phố Hồ Chí Minh) là 929 doanh nghiệp, trong đó đã có 683/929 doanh nghiệp kê khai thiệt hại với số tiền khoảng 5.205 tỷ đồng. Ngoài việc thực hiện các giải pháp về thuế như: gia hạn thời gian nộp hồ sơ khai thuế đối với các tờ khai thuế phải nộp sau thời điểm bị thiệt hại cho các doanh nghiệp, gia hạn nộp thuế đối với số thuế còn nợ trước thời điểm bị thiệt hại, miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư hại, tổn thất...các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi tạm ứng cho 481 doanh nghiệp bị thiệt hại với tổng số tiền là 224 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% ước số tiền bồi thường gốc. Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường.