Phát triển thị trường bảo hiểm, dịch vụ tài chính và hoạt động kế toán, kiểm toán

Bài đăng sách "70 năm Tài chính Việt Nam trưởng thành và phát triển qua một số tư liệu và hình ảnh"

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hình thành từ năm 1993 với việc Chính phủ cho phép thành lập các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm. Từ đó đến nay, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong nền kinh tế quốc dân.

Góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô: Trong giai đoạn 2011-2014, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã huy động trên 85.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy cho nền kinh tế. Hầu hết các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DN bảo hiểm bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ NSNN, góp phần thực hiện chính sách tài khóa. Bảo hiểm góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế với tổng số dư đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 130.000 tỷ đồng cho đến hết năm 2014. Trong đó, tổng số dư đầu tư của các DN bảo hiểm vào trái phiếu Chính phủ đạt 70.000 tỷ đồng.

Góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội: Đến hết năm 2014, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho trên 400.000 lao động. Ngoài ra, hiện nay gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ. Những người được bảo hiểm nói trên đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham dự Chương trình các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm cho doanh nghiệp bị thiệt hại (năm 2014)

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham dự Chương trình các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm cho doanh nghiệp bị thiệt hại (năm 2014)

Bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư: thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản; mọi ngành kinh tế với đa dạng loại hình bảo hiểm từ bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải cho đến bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản... Theo báo cáo của các DN bảo hiểm, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực DN thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới gần 10 triệu tỷ đồng.

Thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế: Ngay từ khi hình thành, các công ty tái bảo hiểm quốc tế đã có quan hệ chặt chẽ với thị trường bảo hiểm trong nước, qua đó không chỉ cung cấp các giải pháp bảo vệ tài chính cho các DN bảo hiểm mà còn thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý rủi ro và bồi thường cho người tham gia bảo hiểm trong nước. Thông qua các hoạt động hội nhập và hợp tac quốc tế góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác.

Góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ: Một số chương trình như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản đang được triển khai tại nhiều địa phương đã kịp thời hỗ trợ nông dân, ngư dân góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bảo hiểm cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ. Điển hình, sau các vụ gây mất trật tự xảy ra ngày 13-15/5/2014 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, qua đó khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm”. Năm 2015 có thể coi là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.”

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Trần Xuân Hà và trưởng đoàn các nước ASEAN tại Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 16 - AIRM 16 tổ chức tại Việt Nam (tháng 12/2013)

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Trần Xuân Hà và trưởng đoàn các nước ASEAN tại Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 16 - AIRM 16 tổ chức tại Việt Nam (tháng 12/2013)

Sau hơn 20 năm, hội nhập trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Việt Nam đã có những thay đổi lớn như cải cách khung pháp lý cho phát triển ngành nghề và dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đó là việc ban hành Luật Kế toán vào năm 2003, là việc ban hành 26 chuẩn mực kế toán trong giai đoạn 2001 - 2005, ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp vào năm 2006. Lĩnh vực kiểm toán cũng có nhiều thay đổi căn bản mà trước tiên là việc Quốc hội đã ban hành Luật Kiểm toán Nhà nước vào năm 2005, Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12, ngày 29/3/2011 quy định nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán... Trên cơ sở đó, ngày 13/3/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2012/NĐ - CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các chuẩn mực kiểm toán mới, là cơ sở để đào tạo, thực hành kiểm toán và kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính. Đây thực sự là nền tảng hoạt động kiểm toán nước ta đi theo thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân (năm 2013)

Bộ Tài chính và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân (năm 2013)

Trải qua quá trình đổi mới hệ thống kế toán, kiểm toán, Việt Nam đã nghiên cứu và học tập nội dung các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế để áp dụng vào thực tiễn nền kinh tế đất nước. Quá trình soạn thảo chuẩn mực kế toán và kiểm toán do Bộ Tài chính tiến hành đã huy động sự tham gia của đông đảo các chuyên gia từ nghiên cứu lý luận đến thực tiễn và có cả sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam ngày càng phát triển về lượng và có sự tiến bộ về chất lượng. Việt Nam đã tạo được mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN (AFA). Nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế lớn đang có nhiều hoạt động tích cực tại Việt Nam như ACCA, CPA Australia trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cập nhật kiến thức cho những người làm kế toán, kiểm toán.