Phát triển thương hiệu ngành hàng có thế mạnh
Theo Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), kiêm Phó tổng thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia ĐỖ KIM LANG, thương hiệu là giá trị vô hình, hỗ trợ doanh nghiệp có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia là vấn đề đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đòi hỏi tập trung xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.
Bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia thời gian qua?
Ông Đỗ Kim Lang: Sau 12 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã đạt một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, đã nâng cao ý thức xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp, nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng Việt Nam có thương hiệu.
Thứ hai, tăng cường việc quảng bá cho chương trình thương hiệu quốc gia. Qua chương trình, các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp tham gia đã được đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, tăng nhận biết của người tiêu dùng trong và ngoài nước, của các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối.
Hơn nữa, nước ta đang hướng tới xây dựng thương hiệu ngành hàng, thương hiệu tập thể, từ đó, hỗ trợ thương hiệu doanh nghiệp có điều kiện phát huy ra bên ngoài.
Vậy sau khi được công nhận đạt chuẩn Thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp được hỗ trợ gì trong công tác quảng bá, khuếch trương thương hiệu?
Với mục tiêu xây dựng hình ảnh nước Việt Nam mang giá trị cốt lõi chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong hướng đến cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp sau khi đạt Thương hiệu quốc gia cần tuân theo những mục tiêu này. Bộ Công thương đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia ra thế giới. Trong đó có các cơ quan đại diện, các đại sứ quán ở nước ngoài, các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền quảng bá cho các doanh nghiệp này thông qua các phương tiện xúc tiến xuất khẩu, thương mại hữu hiệu như các cổng thông tin xúc tiến thương mại, các ấn phẩm đối ngoại bằng nhiều thứ tiếng, đặc biệt là phương tiện truyền hình, phát thanh. Đồng thời hỗ trợ đưa các doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dường như còn rất ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, nhưng do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên đôi khi chưa thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thương hiệu quốc gia dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế. Có khá nhiều doanh nghiệp không đạt được hệ thống tiêu chí này. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ đến hoạt động phát triển thương hiệu. Những doanh nghiệp đã đạt hệ thống tiêu chí này phần lớn đều thể hiện là doanh nghiệp có đẳng cấp.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đều là những đơn vị có chiến lược kinh doanh tốt, phát triển bền vững. Sau khi đạt thương hiệu quốc gia, họ có mức phát triển kinh doanh, xuất khẩu vượt bậc.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong bối cảnh hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, theo ông, vai trò của thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa như thế nào?
Thương hiệu chính là công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài cho thấy, trung bình khoảng 55% giá trị hàng hóa là giá trị vô hình. Hiện nay, giá trị vô hình của hàng hóa nước ta được xác định khoảng hơn 40%. Doanh nghiệp trong nước còn nhiều việc phải làm để đạt được mức chuẩn quốc tế.
Thời gian tới, khi các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và khu vực chính thức có hiệu lực, lượng doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta tăng mạnh, cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp trong nước. Do đó, để có thể tồn tại, cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà, các doanh nghiệp nước ta cần thay đổi tư duy về thương hiệu, từ đó tiến tới thay đổi cấu trúc, nâng cao giá trị hàng hóa.
Do nguồn lực còn hạn hẹp, có không ít doanh nghiệp tuy nỗ lực xây dựng, quảng bá thương hiệu ra thị trường nước ngoài song hiệu quả còn hạn chế. Giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?
Tài chính là nguồn lực rất quan trọng trong đầu tư, đặc biệt là trong xây dựng, quảng bá thương hiệu. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nguồn lực cần được đầu tư đúng hướng. Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nhận thức liên quan đến kỹ năng phát triển thương hiệu, xúc tiến xuất khẩu.
Từ đó, tự mình xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng trước khi quảng bá tại thị trường nước ngoài. Những năm qua, mới chỉ tập trung vào nâng cao nhận thức, đào tạo, chuẩn bị kỹ năng chuyên môn cho các doanh nghiệp. Về tài chính, Bộ tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hội chợ triển lãm, các sự kiện thương mại trong và ngoài nước để tiếp xúc, phát triển hệ thống phân phối và thiết lập quan hệ thương mại với các đối tác.
Ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập ngoại và nguy cơ “thôn tính” thương hiệu từ các doanh nghiệp ngoại có tiềm lực mạnh. Vậy làm thế nào để có thể duy trì và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp Việt?
Cần thừa nhận thực tế mua bán sáp nhập thương hiệu là chuyện phổ biến và bình thường trong bối cảnh hội nhập. Đã tham gia hội nhập thì phải chấp nhận cạnh tranh gay gắt. Cần tập trung đầu tư vào ngành mà ta có lợi thế hơn. Đấy là điều kiện khách quan. Đồng thời, chú trọng phát triển theo phương thức mới đó là phát triển thương hiệu tập thể, ngành hàng.
Chúng ta cần lựa chọn ngành hàng chiến lược và tập trung đầu tư để xây dựng hình ảnh đất nước thông qua ngành hàng đó. Điều này cần được thực hiện thống nhất từ Trung ương, địa phương, đến các doanh nghiệp trong việc định hình lại cơ cấu nền kinh tế, qua đó xây dựng thương hiệu các ngành hàng mạnh hơn.
Xin cảm ơn ông!