Phát triển thương mại điện tử để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao sức cạnh tranh. TMĐT cũng sẽ là công cụ hữu hiệu trợ giúp DN Việt Nam vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sau đại dịch Covid-19.
Mục tiêu doanh số thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD vào năm 2025
Theo Kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến, tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ xác định TMĐT là nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, DN là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng TMĐT, còn Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho TMĐT phát triển. Việc hỗ trợ, tạo động lực phát triển cho TMĐT được thực hiện theo mô hình lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực/địa phương phát triển TMĐT để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Đánh giá cao tính kịp thời của việc ban hành Kế hoạch, PGS. TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp về thương mại khẳng định, TMĐT là xu thế của thị trường hiện nay. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò, tiện ích nổi trội của TMĐT.
Theo ông Thắng, nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số, TMĐT, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách kịp thời phát triển TMĐT. Hơn nữa, ở nước ta cũng có nhiểu điểu kiện thuận lợi để đạt mục tiêu doanh số TMĐT 35 tỷ USD vào năm 2025. Đó là số người sử dụng điện thoại thông minh cao; số lượng người tiêu dùng trẻ lớn; hạ tầng kinh tế số đã được cải thiện cơ bản. “Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của DN như hiện nay, chắc chắc sẽ có sự phát triển nhanh về TMĐT và mục tiêu 35 tỷ USD sẽ đạt được”, ông Thắng nhận định.
Trước đó, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cũng khẳng định, tốc độ phát triển TMĐT của Việt Nam rất cao, tiềm năng phát triển rất lớn. Đây là môi trường thuận lợi để hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp nào?
Đánh giá cao cơ hội phát triển TMĐT, song ông Phạm Tất Thắng cho rằng, TMĐT ở Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Một là giải pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong TMĐT của ta chưa đạt chuẩn mực. Hai là, có sự chênh lệch TMĐT giữa các vùng miền, địa phương. Ba là, tính liên kết trong TMĐT giữa các DN chưa cao. Đặc biệt, chúng ta vẫn thiếu “hạt nhân” tiên phong để thúc đẩy các DN khác phát triển TMĐT.
Đồng tình với đánh giá này, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta chủ yếu mới áp dụng TMĐT B2C, nhưng có rất nhiều DN phải ở mức độ B2B (TMĐT giữa các DN), nghĩa là thị trường TMĐT không chỉ là giao dịch giữa DN và người tiêu dùng mà còn bao gồm giao dịch giữa các DN với nhau.
Nhằm đạt mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đưa ra một loạt nhóm giải pháp về: hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của DN…
Trong đó, nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách được ưu tiên số một với việc tập trung vào việc rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ TMĐT dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ; có chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) đối với các mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới trong thương mại điện tử...