Phát triển và khai thác thủy sản bền vững: Trách nhiệm của cả cộng đồng
Những năm gần đây, tình hình thời tiết trên biển diễn biến rất phức tạp và ngày càng khó lường. Đặc biệt, khu vực biển Đông xuất hiện ngày càng nhiều những cơn bão mạnh và siêu bão, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu ngư dân. Trong khi đó, nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản vẫn chưa được hiện đại hóa và tạo ra hàng loạt áp lực cho phát triển bền vững, nhất là tình trạng khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Khi nguồn lợi giảm dần
So với các quốc gia khác, Việt Nam được xác định là một quốc gia biển giàu tài nguyên và hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển (KTB). Với nghề khai thác và đánh bắt, chế biến thủy sản hải, KTB đã góp phần tạo sinh kế, thu nhập cho hàng triệu ngư dân và có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, nghề khai thác và đánh bắt thủy hải sản từ biển được gọi là nghề cá nhân dân, do có quy mô nhỏ; trình độ, chuyên môn của ngư dân còn thấp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của gia đình truyền lại hay kinh nghiệm đúc kết của bản thân.
Từ năm 2018, phát triển KTB đã trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đến nay được BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là trụ cột quan trọng mang tính chi phối đến các trụ cột khác về xây dựng thủ phủ ngành công nghiệp tôm cả nước, phát triển năng lượng sạch và cả du lịch sinh thái khi tất cả đều dựa vào biển.
Tuy nhiên, ngành khai thác thủy sản của tỉnh đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đứng trước nguy cơ tụt hậu, kém phát triển sâu khi hàng loạt các vấn đề trong khai thác lâu nay vẫn chưa được tháo gỡ một cách khoa học và hợp với quy luật phát triển của tự nhiên. Cụ thể, đến nay Bạc Liêu vẫn chưa có quy hoạch khai thác thủy sản cho từng vùng biển theo nhóm nghề, nên cơ cấu nghề và vùng khai thác chưa hợp lý. Trong khi đó, năng lực của đội tàu khai thác còn hạn chế, công suất thấp, không kiểm soát được vùng biển đánh bắt, ngư cụ khai thác lạc hậu, chậm đổi mới. Cũng như, tình trạng khai thác thủy sản bằng nghề, ngư cụ cấm, hoạt động khai thác sai vùng… vẫn tồn tại.
Tất cả những bất cập này đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản và chưa bao giờ ngư dân lại đối mặt với một thực trạng rất đau lòng - đó là “biển bây giờ tôm, cá quá ít và nhiều nơi nguồn con giống từ tự nhiên đã không còn” như lời than thở của ngư dân Trần Văn Bảy (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải).
Tránh tình trạng “đời con khát nước”
Qua đánh giá sơ bộ của các nhà khoa học và ngành quản lý cho thấy, nguồn lợi thủy sản ven bờ đã bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép và có gần 40% nguồn lợi thủy sản đã bị “chết non” từ các phương tiện khai thác như: cào, te, lưới thẹ…
Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, năng lực khai thác thủy sản xa bờ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh mà cụ thể là Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) đến nay vẫn chưa hoàn thành việc nâng cấp, xây dựng thành cảng cá loại II!
Cùng với đó là tình trạng tổ chức sản xuất khai thác mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự liên kết và hợp tác trong sản xuất. Công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu còn lạc hậu, chậm đổi mới, gây tổn thất rất lớn và làm cho hiệu quả sản xuất thấp. Rồi chất lượng nguồn lao động vẫn chưa được đào tạo đúng chuẩn và tình trạng “chảy máu” lao động nghề biển vẫn thường hay xảy ra…
Tất cả những khó khăn này đã đẩy nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản vào nhóm nghề rủi ro cao và không khuyến khích được ngư dân đầu tư nâng cấp hay đóng mới phương tiện đánh bắt xa bờ. Cụ thể là từ năm 2018 đến nay, số tàu có chiều dài từ 6 đến dưới 12m giảm 171 chiếc (tương đương 39,95%), tàu từ 12 đến dưới 15m, giảm 46 chiếc (tương đương 19,83%), tàu từ 15m trở lên giảm 35 chiếc (tương đương 7,49%)…
Một vấn đề đáng lo khác là qua thống kê của ngành Nông nghiệp, hiệu quả khai thác thủy sản của các đội tàu giảm đáng kể và chỉ có từ 40 - 60% số tàu hoạt động hiệu quả, còn lại chỉ hòa vốn và lỗ phí, thậm chí nhiều phương tiện phải tạm ngưng hoạt động hoặc kêu bán khi “biển bạc” đã không còn hào phóng và giúp ngư dân làm giàu như trước đây.
Phải khẳng định rằng, Bạc Liêu là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KTB. Với chiều dài bờ biển 56km, cùng với một ngư trường rộng lớn (gần 40.000km2), trữ lượng hải sản đa dạng, phong phú về chủng loại chính là nguồn “tài nguyên” rất quý giá để Bạc Liêu quyết tâm làm giàu từ biển. Do vậy, các khó khăn, thách thức trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản hiện nay phải được quan tâm giải quyết một cách bài bản và căn cơ theo hướng “hóa giải nguy cơ thành thời cơ”.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ cần quan tâm thực hiện tốt chính là công tác quy hoạch và rà soát quy hoạch ngành khai thác thủy sản theo đặc điểm sinh trưởng của từng loại thủy hải sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển theo hướng bền vững và trách nhiệm. Tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trên đất liền và cả trên biển về trách nhiệm của ngư dân với việc bảo vệ môi trường sinh thái, trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trách nhiệm với cả thế hệ tương lai.
Kiên quyết loại bỏ nạn khai thác theo kiểu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, xem việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi chính là trách nhiệm của cả cộng đồng cùng chung tay đầu tư sinh lãi cho tương lai. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xác định và công bố khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác có thời hạn, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh…