Phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin

Theo Dương Cầm/daibieunhandan.vn

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định, những vướng mắc, tranh luận giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH trong quá trình giám định, thanh toán BHYT sẽ được giải quyết nếu có sự phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin số liệu về giám định BHYT.

Hệ thống Thông tin giám định Bảo hiểm Y tế đã tiếp nhận 129,35 triệu lượt hồ sơ khám, chữa bệnh. Nguồn: Internet
Hệ thống Thông tin giám định Bảo hiểm Y tế đã tiếp nhận 129,35 triệu lượt hồ sơ khám, chữa bệnh. Nguồn: Internet
Phát hiện bất thường nhờ công nghệ
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, thông qua các đợt kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHYT, Bộ Y tế nhận thấy có nhiều vướng mắc, tranh luận giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm trong quá trình giám định, thanh toán BHYT như giao trần, giao quỹ, vi phạm chứng chỉ hành nghề, cơ cấu và giá dịch vụ y tế.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là các bên chưa hiểu đúng, đầy đủ về văn bản hướng dẫn của cơ quan BHXH và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, qua khảo sát tại một số địa phương cho thấy, không ít lãnh đạo Sở Y tế còn chưa rõ, chưa tiếp cận, chưa sử dụng hiệu quả tài khoản truy cập Hệ thống dữ liệu giám định điện tử của ngành BHXH.

Trong bối cảnh Bộ Y tế còn chưa đủ nguồn lực để thực hiện kho dữ liệu tương tự, BHXH Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, thậm chí cấp tài khoản truy cập cho Sở Y tế địa phương để nắm bắt tình hình sử dụng quỹ BHYT nhưng lại không khai thác hiệu quả, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành thì rất lãng phí.

Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, tài khoản truy cập Hệ thống thông tin giám định BHYT của lãnh đạo các Sở Y tế được phân quyền (về mặt kỹ thuật) để hoàn toàn có thể tiếp cận đầy đủ dữ liệu cơ bản về chi phí khám chữa bệnh trên địa bàn.

Đây là sự chia sẻ vì mục tiêu chung; do đó nếu lãnh đạo các Sở Y tế quan tâm hơn nữa thì sắp tới, ngành BHXH sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tập huấn sử dụng hiệu quả tài khoản truy cập này.

Chỉ rõ lợi ích của Hệ thống thông tin giám định BHYT, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc Dương Tuấn Đức cho biết, hiện hệ thống thông tin Giám định BHYT đã kết nối trên 12.000 cơ sở y tế cả nước, giúp quản lý và theo dõi, giám định với 100% hồ sơ khám chữa bệnh.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu Hệ thống giám định BHYT của ngành BHXH với Sở Y tế có những thuận lợi nhất định.

Với hệ thống này, các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện việc kết nối, chuyển dữ liệu ngay sau khi bệnh nhân được điều trị, khám bệnh ngoại trú hoặc nội trú. Việc chuyển dữ liệu lên cổng giám định của cơ quan BHXH nhằm mục đích quản lý có hiệu quả việc thông tuyến, hướng bác sĩ có trách nhiệm hơn trong việc tra cứu, tránh chỉ định trùng lặp và gây lãng phí.

Cũng nhờ hệ thống này, các bác sĩ chỉ cần nhập mã thẻ bệnh nhân đã biết được toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh, chẩn đoán, đơn thuốc đã dùng trước đó. Qua đó, Sở Y tế và BHXH địa phương có thể phát hiện được hành vi trục lợi BHYT.

Trước những băn khoăn sẽ xảy ra tiêu cực trong việc nhập thông tin ban đầu, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định, đó là điều khó có thể tránh khỏi.

Điều quan trọng vẫn là nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng bác sĩ, người nhập dữ liệu cũng như vai trò quản lý, điều hành của lãnh đạo bệnh viện, ngăn chặn hành vi nhập khống dữ liệu, lấy thông tin của bệnh nhân đưa vào tạo nên hồ sơ bệnh án giả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chỉ ra rằng, lãnh đạo các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, từ việc sử dụng thuốc, vật tư, chỉ định xét nghiệm, thường xuyên nắm thông tin về tình hình sử dụng quỹ để điều hành hợp lý.

Bên cạnh đó, BHXH các cấp cần phối hợp với các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh, chia sẻ thông tin kịp thời về quỹ, giao và cấp kinh phí đầy đủ, giám định chính xác, không để chậm, treo quyết toán kéo dài ảnh hưởng đến cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh.

“Khi số liệu về khám, chữa bệnh tăng đột biến như xét nghiệm hay thuốc tăng lên, lãnh đạo Sở Y tế cần đặt câu hỏi vì sao và phải thường xuyên theo dõi biến động trên Hệ thống giám định. Chỉ khi theo dõi hàng tháng, mới kịp thời điều chỉnh cho phù hợp” - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Lê Văn Khảm kiến nghị.