Phòng, chống rửa tiền tại một số nước trên thế giới

PV.

(Tài chính) Ngày 18 tháng 06 năm 2012,Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền, tiếp theo đó, hàng loạt các văn bản khác như: Nghị định 116/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN… ra đời, nhằm hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền, các quy định mà các thể chế, định chế phải chấp hành để phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Công cụ quan trọng để kiểm soát hữu hiệu hoạt động rửa tiền đó là Luật Phòng, chống rửa tiền và một số luật vệ tinh, hỗ trợ xung quanh. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động quản lý tiền tệ, làm trong sạch hệ thống tiền tệ và các dòng tiền ở Việt Nam. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả, chúng ta cần tham khảo thêm kinh nghiệm, chính sách của các nước trên quốc tế và trong khu vực về lĩnh vực này.

Sau đây là một số nội dung về Luật Phòng, chống rửa tiền tại một số nước trên thế giới.

1, Luật Phòng, chống rửa tiền tại Mỹ

Mỹ là nước có hệ thống luật pháp về phòng, chống rửa tiền toàn diện và nghiêm khắc nhất trên thế giới, bắt buộc tất cả các định chế tài chính và nhân viên đều phải tuân theo. Một trong những đạo luật quan trọng nhất liên quan đến phòng, chống rửa tiền là Luật Bí mật ngân hàng (BSA) ban hành năm 1970 và những quy tắc của nó. Mục đích của BSA là tạo ra một văn bản pháp lý tạo điều kiện điều tra tội phạm rửa tiền, trốn thuế… bằng cách yêu cầu các tổ chức tài chính phải lưu giữ những chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. (sau này, Luật được sửa đổi, cho phép Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra). Một số luật quan trọng khác trong việc phòng, chống rửa tiền tại Mỹ gồm Luật Quản lý toàn diện tội phạm năm 1984, Luật Quản lý rửa tiền năm 1986, Luật Chống sử dụng ma tuý năm 1988, Luật Chống rửa tiền Annunzio – Wylie năm 1992. Những luật và quy định về phòng, chống rửa tiền tại Mỹ luôn được bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với những thay đổi của tội phạm rửa tiền.

Luật Chống rửa tiền tại Mỹ quy định nghĩa vụ của tất cả các đối tượng, từ các cá nhân đến các tổ chức khi phát hiện có sự tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền nào, và là căn cứ để tịch thu, sung quỹ tiền và tài sản liên quan đến hoạt động rửa tiền. Việc không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền của các nhân viên của các tổ chức tín dụng có thể dẫn tới bị phạt dân sự và hình sự. Về mặt dân sự, nhân viên ngân hàng có thể bị phạt tới 100.000 USD cho việc cố tình vi phạm những quy định về báo cáo và lưu giữ chứng từ của BSA. Về mặt hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền tới 250.000 USD, 5 năm tù hoặc cả hai.

Phòng, chống rửa tiền tại một số nước trên thế giới - Ảnh 1

Đồng tiền ảo BitcoinPhòng, chống rửa tiền tại một số nước trên thế giới - Ảnh 2 cũng chứa nguy cơ rửa tiền. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

2, Luật Phòng, chống rửa tiền tại Anh

Tại Anh, các định chế tài chính về phòng, chống rửa tiền cũng hoạt động tương tự như tại Mỹ. Tháng 12/1990, nước Anh ban hành một loạt văn bản hướng dẫn các ngân hàng trong việc phát hiện và chấm dứt các hoạt động rửa tiền, trong đó tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ cảnh báo cho các cơ quan quyền lực biết những hoạt động và giao dịch đáng ngờ. Các hướng dẫn này được xây dựng bởi Ngân hàng Trung ương Anh và các ngân hàng thương mại với sự phối hợp, tham gia của cơ quan tình báo quốc gia, hải quan, cảnh sát. Theo đó, ngân hàng phải đích thân nhận dạng tất cả các khách hàng bằng mọi cách có thể, kể cả bằng cách gặp mặt trực tiếp. Hướng dẫn cũng chỉ rõ các cách thức xác nhận thông tin cá nhân, trong đó hộ chiếu là hình thức được ưu tiên, ngoài ra các hình thức khác cũng được chấp nhận như thẻ nhân viên, bằng lái xe… Hơn nữa, các ngân hàng phải lưu giữ tất cả các chứng từ giao dịch trong 6 năm để phục vụ điều tra.

Cũng giống như tại Mỹ, việc không tuân theo những hướng dẫn và các luật, quy định sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý. Nếu nhân viên vi phạm những quy định về sự bảo mật của khách hàng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý dân sự. Hướng dẫn tại Anh chỉ ra rằng các nhân viên của các định chế tài chính phải hợp tác một cách toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải thông báo trước cho các cơ quan này các giao dịch đáng ngờ. Trong khi các ngân hàng là chủ thể chính, các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, tổ chức môi giới cũng phải thực hiện những hướng dẫn này.

Những quy định, luật lệ khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền tại Anh bao gồm Luật Chống buôn bán ma tuý năm 1986, Luật Phòng, chống khủng bố năm 1987, Luật Hình sự (Hợp tác quốc tế) năm 1990 và Luật Hình sự năm 1993. Bộ luật đầu tiên cho phép cảnh sát có quyền điều tra những tài sản đáng ngờ có liên quan đến ma túy, phong tỏa chúng và khi có chứng cớ sẽ tịch thu những tài sản này. Luật Phòng, chống khủng bố năm 1987 quy định sẽ kết tội những người sử dụng hoặc sở hữu quỹ khủng bố. Luật Hình sự năm 1990 cho phép kết tội những người che giấu, biển thủ, chuyển nhượng hoặc vận chuyển những tài sản hoặc giúp đỡ người khác làm việc đó khi biết hoặc nghi ngờ những tài sản do phạm tội buôn bán ma tuý mà có. Luật Hình sự năm 1993 mở rộng quyền lực của tòa án trong việc kết tội rửa tiền như một tội phạm hình sự.

3, Tại châu Âu: Hệ thống luật lệ ngân hàng và các hướng dẫn thực hành giám sát của cộng đồng châu Âu yêu cầu tất cả các nhân viên ngân hàng đều phải nhận biết khách hàng của họ; đồng thời cải thiện hệ thống lưu giữ chứng từ, ngăn chặn kịp thời những hành động đáng ngờ và tập huấn các nhân viên để họ tuân theo các luật lệ ngân hàng một cách chủ động và có thể nhận biết, báo cáo các hành động rửa tiền.

4, Luật Phòng, chống rửa tiền tại một số nước khác

Australia (Úc) cũng thực hiện hệ thống báo cáo giao dịch tiền tệ tương tự như tại Mỹ. Bất kỳ một giao dịch tiền tệ nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD đều phải báo cáo. Những dữ liệu này sau đó được truyền tự động tới Cơ quan Báo cáo giao dịch tiền tệ. Việc truy cứu trách nhiệm hay xử lý tội phạm liên quan đến rửa tiền cũng được thực hiện tương tự như ở Mỹ.

Tại Nhật, các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên. Hơn nữa, trong trường hợp liên quan đến ma tuý, toà án có thể kết án ngân hàng và các tổ chức tín dụng về tội rửa tiền.

Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Myanma, Indonesia, Philippinnes đều có các văn bản về chống rửa tiền với những phạm vi và mức độ khác nhau. Các nước này cũng đã thành lập những cơ quan chuyên trách riêng xử lý vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền như AMLO hay AMLC. Các cơ quan này có chức năng chủ yếu là thu thập và xử lý thông tin liên quan đến tài sản, buôn bán ma tuý và rửa tiền.

Để Luật Phòng, chống rửa tiền thực sự phát huy tác dụng, đòi hỏi các luật, các thông tư, hướng dẫn, các quy định có liên quan phải chặt chẽ, nhất quán; Các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm luật, và trên hết, các nhân viên trong tất cả các tổ chức tài chính, pháp luật phải nắm rõ, hiểu đúng tính chất nghiêm trọng của tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố… từ đó nhanh nhạy phát hiện những giao dịch tinh vi, những dấu hiệu tội phạm và báo cáo kịp thời để cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn.