Quản lý, điều hành giá thận trọng, linh hoạt trong bối cảnh mới

Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Năm 2022, bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường như: Xung đột Nga-Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu…

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, trong năm 2022, công tác quản lý,   điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định.
Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, trong năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định.

Những yếu tố này không chỉ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý, điều hành giá của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành kịp thời có các “kịch bản”, giải pháp điều hành, quản lý giá chặt chẽ, nhờ đó, năm 2022, kiểm soát lạm phát đạt mức dưới 4% theo mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành quản lý, điều hành giá thận trọng, linh hoạt.

Thực trạng quản lý, điều hành giá năm 2022

Những yếu tố tác động đến công tác quản lý, điều hành giá

Năm 2022, bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường, vượt ra ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước như: Xung đột Nga-Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới… đã tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động đến mặt bằng lãi suất toàn cầu, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.

Tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm và khiến đồng USD tăng giá so với các đồng nội tệ khác, đặc biệt như đồng Euro có thời điểm giảm thấp hơn so với đồng USD.

Trong báo cáo tháng 9/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới, do ảnh hưởng của làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh chưa từng có trong 50 năm qua nhằm ứng phó với lạm phát.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP toàn cầu trong năm 2023 chỉ tăng 0,5%, trong khi GDP bình quân đầu người giảm 0,4%. Trong khi đó, tháng 9/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 2,2% (giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 6/2022).

Tháng 7/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,2% năm 2022 và dự báo đạt 2,9% năm 2023 (giảm lần lượt 0,4 và 0,7 điểm % so với báo cáo tháng 4/2022 trước đó). Số liệu lạm phát của nhiều nước công bố cho thấy, xu hướng lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao.

Quản lý, điều hành giá thận trọng, linh hoạt trong bối cảnh mới - Ảnh 1

Lạm phát của Khu vực đồng Euro tháng 11/2022 tăng lên mức cao kỷ lục 10%, gấp 5 lần so với mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là 2%, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá nhiên liệu tăng cao, nhất là trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Lạm phát của Mỹ tháng 10/2022 mặc dù có dấu hiệu hạ nhiệt song vẫn ở mức cao (7,7%).

Lạm phát cũng tiếp tục ở mức cao tại khu vực Đông Á (chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10/2022 của Nhật Bản tăng 3,7%, của Hàn Quốc tăng 5%) và một số nước Đông Nam Á (CPI tháng 10/2022 của Philippines tăng 8%, Indonesia 5,42%, Thái Lan 5,55%, Lào 38,46%…).

Như vậy, những yếu tố trên đã tác động đa chiều đến kinh tế nước ta nói chung và đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là áp lực từ lạm phát chung trên thế giới và phản ứng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước.

Ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Ở Việt Nam, kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng, nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt.

Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 2,59%. Mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Đến nay, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 đã đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%). Một số nguyên nhân làm tăng áp lực lên mặt bằng giá năm 2022 có thể kể đến như: Giá xăng dầu bình quân tăng 28,01% so với năm 2021, tác động đến CPI tăng 1,01%; giá gas cũng biến động theo giá thế giới tăng 11,49% so với cùng kỳ năm 2021; giá một số hàng hóa, dịch vụ tăng, do nhu cầu tăng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Mặt khác, một số yếu tố tích cực tác động làm giảm áp lực lên mặt bằng giá có thể kể đến như: Giá một số thực phẩm, nhất là thịt lợn giảm so với cùng kỳ năm 2021, do nguồn cung ổn định; giá một số dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm so với cùng kỳ; công tác quản lý, điều hành giá được triển khai quyết liệt đã hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng “kịch bản” quản lý, điều hành giá phù hợp với thực tế

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, trong năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định như: Giá bán lẻ điện bình quân; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, giá cả tương đối ổn định, do sản xuất tăng trưởng khá cao, nguồn cung dồi dào tương ứng với nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và đưa ra dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát; xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá, cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán 2022 là thời điểm giá cả thường có nhiều biến động theo quy luật hàng năm, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Chỉ thị số 35/CT-TTg), Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 02/ CT-BTC yêu cầu toàn ngành Tài chính (giá, thuế, hải quan, kho bạc, dự trữ) bám sát diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả; đồng thời, tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó, không để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội:

Đối với mặt hàng xăng dầu: Trước biến động mạnh và khó lường của giá dầu thế giới trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá phù hợp với diễn biến giá xăng, dầu thế giới.

Trong đó, tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường tại các kỳ điều hành khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao nhằm góp phần kiềm chế mức tăng giá xăng, dầu trong nước.

Trước tình hình giá xăng, dầu có xu hướng tăng cao, tác động đến giá một số mặt hàng thiết yếu, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 679/ CĐ-TTg ngày 31/7/2022 chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá; tiếp đó, ngày 16/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/ CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 20/2022/ UBTVQH15 áp dụng mức giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP thực hiện giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 10%, nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Đối với giá dịch vụ giáo dục, đào tạo năm học 2022 - 2023: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo chủ trương cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021, để đảm bảo phù hợp với điều kiện đất nước, vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Đối với giá sách giáo khoa: Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 mới.

Bộ Tài chính có văn bản gửi các đơn vị có ý kiến về hồ sơ kê khai giá sách giáo khoa; đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) đã bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.

Đối với giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm: mặc dù có những thời điểm biến động như vào dịp lễ, Tết nhưng nhìn chung giá cả các mặt hàng này được kiểm soát, do nguồn cung đảm bảo, thời tiết thuận lợi.

Giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định là một trong các yếu tố giúp ổn định mặt bằng giá trong bối cảnh áp lực lạm phát thế giới tăng cao.

Tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá trong năm 2023

Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát ở mức cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là tại các nền kinh tế lớn, làm gia tăng rủi ro bất ổn về chính trị, xã hội tại một số quốc gia.

Thị trường tài chính, tiền tệ của các nước đang phát triển đối mặt với nhiều rủi ro; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán… tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.

Áp lực rủi ro đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác điều hành vĩ mô ngày càng lớn đã tác động đến tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trong thời điểm cuối năm 2022 và năm 2023.

Mặc dù vậy, nhiều tổ chức quốc tế như: WB, IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn có những đánh giá lạc quan, tích cực về triển vọng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá.

Cùng với đó là áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua sẽ đặt ra các thách thức đối với công tác quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm.

Phát huy những thành công trong công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 nói riêng, cũng như cả giai đoạn 2015 - 2022 nói chung, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2023 cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5% do Quốc hội đề ra.

Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong đó tập trung vào những biện pháp như:

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung-cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung-cầu trong nước.

Thứ hai, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Rà soát việc áp dụng các chính sách tài khóa, đặc biệt là với các chính sách sắp hết hiệu lực. Nghiên cứu các phương án gia hạn/điều chỉnh kết thúc các chính sách vào thời điểm thuận lợi để hạn chế bớt tác động tiêu cực tới lạm phát năm 2023.

Thứ ba, đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện), các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Thứ tư, đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023

Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung-cầu thị trường, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: Xăng dầu; lương thực; thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống); vật liệu xây dựng; cước vận tải; các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Thứ năm, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Thứ sáu, phát huy hiệu quả công tác truyền thông nhằm tránh tạo kỳ vọng lạm phát vượt mức tại một số thời điểm diễn biến kinh tế trong và ngoài nước không thuận lợi, hạn chế tâm lý “tát nước theo mưa” của giá các mặt hàng khác của nền kinh tế.

Để thực hiện tốt giải pháp này, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2/2023