Quản lý nhà nước về thu hút vốn FDI tại Bình Dương
Bình Dương là địa phương quản lý nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bài viết phân tích thực trạng thực hiện chính sách quản lý nhà nước về thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương qua đó, đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước trong thu hút FDI vào tỉnh Bình Dương: (1) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách hiệu quả đến hoàn thiện môi trường đầu tư; (2) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách hấp dẫn đối với thu hút FDI; (3) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Đặt vấn đề
Hiện nay, Bình Dương có 48 khu, cụm công nghiệp và luôn nằm trong “top” dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI. Việc thu hút vốn FDI chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố thuộc về chính sách quản lý nhà nước (QLNN) là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư chọn địa điểm đầu tư. QLNN là “chìa khóa” để thu hút vốn FDI nhằm thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn một cách bền vững.
Đồng thời, QLNN cũng là nền tảng cho việc phát triển vùng đổi mới sáng tạo và khu vực sản xuất thông minh của Bình Dương trong tương lai, tạo ra động lực mới. Tuy vậy, chính sách QLNN về dự án FDI tại Bình Dương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, do đó, cần hoàn thiện chính sách này để tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI vào địa phương trong thời gian tới.
Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước vốn đầu tư nước ngoài
Khái niệm về FDI
Theo Luật Đầu tư 2014: “Đầu tư nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành các hoạt động đầu tư”. Như vậy, có thể hiểu khái quát về FDI là hình thức đầu tư quốc tế mà chủ đầu tư bỏ vốn để xây dựng hoặc mua phần lớn, thậm chí toàn bộ các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài để trở thành chủ sở hữu toàn bộ hoặc từng phần cơ sở đó và trực tiếp quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư.
Chính sách quản lý nhà nước trong thu hút FDI
Thời gian qua, Việt Nam liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính cũng như xây dựng các chính sách QLNN để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực FDI như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về thu hút vốn FDI; Hướng dẫn và thực hiện chính sách QLNN về thu hút FDI của nhà nước; Sơ kết và tổng kết những chính sách QLNN về thu hút FDI; Kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách QLNN về thu hút FDI... Các chính sách này đã đóng góp quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính thông qua thu thập các tài liệu từ sách, báo, internet, báo cáo của các sở, ngành địa phương… Đồng thời, nghiên cứu cũng điều tra khảo sát lấy ý kiến chuyên gia và những cá nhân có kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách QLNN đối với thu hút FDI tại Bình Dương như: Lãnh đạo UBND Tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng UBND Tỉnh, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh phụ trách về đầu tư; Lãnh đạo, chuyên viên phụ trách đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Lãnh đạo, chuyên viên phụ trách vốn đầu tư của Sở Tài chính; Các chuyên gia phụ trách các dự án thu hút vốn FDI (trưởng hoặc phó dự án); Các doanh nghiệp (DN) FDI...
Kết quả nghiên cứu
Thực trạng thực hiện các chính sách quản lý nhà nước đối với thu hút FDI
Các chính sách tạo lập môi trường đầu tư
Phương pháp tiếp cận thực thi chính sách thông qua hướng tiếp cận "từ trên xuống dưới" đã được áp dụng tại Bình Dương từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VI vào năm 1997. Tỉnh đã đưa ra chủ trương tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi, tận dụng các lợi thế địa lý, nguồn lực và tiềm năng của dân cư và doanh nghiệp (DN) trong Tỉnh, nhằm thu hút các nguồn lực từ ngoài tỉnh và nước ngoài để tạo động lực phát triển và hình thành kinh tế mở.
Thời gian gần đây, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm khuyến khích, thu hút FDI để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế và tăng cường xuất khẩu. Đồng thời, liên tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kêu gọi đầu tư vào việc hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát triển mô hình nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động. Đáng chú ý là Bình Dương đã đổi mới mô hình phát triển bằng việc hợp tác và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh, cũng như gia nhập Hiệp hội Đô thị Khoa học Thế giới (WTA) và Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF).
Các chính sách hấp dẫn đối với thu hút FDI
Chính sách thuế thu nhập DN của Việt Nam hiện nay quy định như sau: (i) DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao (CNC), nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm (so với mức thông thường 23%); (ii) DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được áp dụng thuế suất 10%; (iii) Đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn và CNC thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài thêm.
Mức thuế suất thu nhập DN trung bình hiện nay của Việt Nam là 20% được quy định tại Điều 11 Thông tư số 78/2014/TT-BTC. Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định thuế suất ưu đãi từng trường hợp cụ thể: đối với các DN với mức thuế suất 10% trong 15 năm; DN có thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; DN có mức thuế suất 15%; DN có thuế suất 17% trong 10 năm; DN có thuế suất 17% trong suốt thời gian hoạt động. Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định về các trường hợp được miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo; trường hợp được miễn thuế 04 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 05 năm tiếp theo; trường hợp được miễn thuế 02 năm và giảm 50% thuế trong 04 năm tiếp theo.
Kết quả khảo sát của nhóm tác giả cho thấy, nhóm chính sách hấp dẫn đối với thu hút FDI tại Bình Dương được đánh giá khá cao. Trong đó, cao nhất là nội dung “Ưu đãi thuế của Việt Nam dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế có thời hạn” với giá trị trung bình (GTTB) là 3,99; nội dung “Chính sách ưu đãi không ổn định với sự thay đổi liên tục” với GTTB là 3,95 (Bảng 1).
Bảng 1: Kết quả khảo sát nhóm chính sách hấp dẫn đối với thu hút FDI |
||
Nội dung |
Doanh nghiệp ĐTNN |
Cán bộ QL về ĐTNN |
GTTB |
GTTB |
|
Phạm vi ưu đãi của chính sách thu hút vốn FDI còn rộng và dàn trải |
3,91 |
3,88 |
Chính sách ưu đãi đầu tư dựa chủ yếu vào ưu đãi thuế và đất đai, mức ưu đãi cao nhưng chưa hiệu quả |
3,94 |
3,89 |
Chính sách ưu đãi không ổn định với sự thay đổi liên tục |
3,95 |
3,83 |
Ưu đãi thuế của Việt Nam dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế có thời hạn |
3,99 |
3,95 |
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả
Các chính sách xúc tiến đầu tư nước ngoài
Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp tỉnh Bình Dương với các chính sách xúc tiến đầu tư ngước ngoài còn khá hạn chế. Cụ thể, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các thông tin, tài liệu (Bảng 2) cho thấy, tiếp cận của doanh nghiệp với thông tin về “Các bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất”, “Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới”, “Ngân sách địa phương” tương đối thấp, với GTTB lần lượt là: 2,01; 2,09; 2,11. Chỉ có nội dung “Công báo (đăng tải các văn bản pháp luật)” được doanh nghiệp đánh giá khá cao với GTTB là 3,99.
Bảng 2: Mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các thông tin, tài liệu |
||||
Nội dung |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
GTTB |
Độ lệch chuẩn |
Ngân sách địa phương |
1 |
5 |
2,11 |
0,925 |
Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới |
1 |
5 |
2,09 |
0,857 |
Các bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất |
1 |
4 |
2,01 |
0,963 |
Công báo (đăng tải các văn bản pháp luật) |
2 |
5 |
3,99 |
0,859 |
Các kế hoạch phát triển KT-XH |
2 |
5 |
3,32 |
0,878 |
Các luật, nghị định, thông tư, chính sách, quyết định… của Trung ương |
2 |
5 |
3,22 |
0,912 |
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả
Tính hiệu quả của chính sách
Nguồn vốn FDI là yếu tố chính quyết định đến lĩnh vực hoạt động ngoại thương của Bình Dương. Trong 10 năm qua, Bình Dương có hoạt động xuất siêu cao nhất cả nước. Các dự án FDI góp phần giải quyết việc làm cho cư dân địa phương và các tỉnh lân cận. Quá trình thu hút FDI cũng tác động mạnh đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, khi các DN FDI đầu tư vào địa phương, tất yếu sẽ kéo theo việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của tác giả, tính hiệu quả của chính sách thu hút FDI tại Bình Dương ở mức tương đối thấp với GTTB là 2,88; trong đó chỉ có nội dung “thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng trong sản xuất” được đánh giá ở mức khá hơn (GTTB là 3,52); còn lại các nội dung khác đều được đánh giá ở mức thấp với GTTB từ 1,72 đến 2,68 (Bảng 3).
Bảng 3: Tính hiệu quả của chính sách thu hút FDI |
|||
Nội dung |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
GTTB |
Các chính sách thu hút FDI đã giúp Bình Dương thu hút FDI phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế |
2 |
5 |
2,68 |
Các chính sách thu hút FDI đã tác động tích cực đến môi trường và giúp Bình Dương thực hiện các mục tiêu xã hội khác như: phát triển nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm, … |
3 |
4 |
1,72 |
Các chính sách thu hút FDI đã giúp Bình Dương thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng trong sản xuất |
3 |
5 |
3,52 |
Các chính sách thu hút FDI đã giúp Bình Dương thu hút vốn, công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến |
1 |
3 |
1,81 |
Đánh giá chung về tính hiệu quả của chính sách |
2 |
5 |
2,88 |
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả
Tính hợp lý, phù hợp của chính sách
Theo khảo sát của nhóm tác giả tại Bảng 4 cho thấy, chính sách thu hút vốn FDI của Bình Dương cơ bản đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với GTTB là 3,06. Trong đó, chính sách được xây dựng khá hợp lý, phù hợp của chiến lược, kế hoạch với mục tiêu chính sách; hợp lý, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan QLNN đối với hoạch định, thực thi, đánh giá và điều chỉnh chính sách và hợp lý, phù hợp trong hội nhập quốc tế của Bình Dương.
Bảng 4: Tính phù hợp, hợp lý của chính sách |
|||
Nội dung |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
GTTB |
Sự hợp lý, phù hợp trong hội nhập quốc tế của Bình Dương |
2 |
5 |
3,84 |
Sự hợp lý, phù hợp của chiến lược, kế hoạch với mục tiêu chính sách |
3 |
5 |
3,56 |
Sự hợp lý, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạch định, thực thi, đánh giá và điều chỉnh chính sách |
1 |
5 |
3,87 |
Đánh giá chung về tính hợp lý, phù hợp của chính sách |
1 |
5 |
3,21 |
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả
Một số hạn chế của chính sách quản lý nhà nước đối với thu hút FDI
Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách QLNN đối với thu hút FDI tại tỉnh Bình Dương vẫn còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, chính sách ưu đãi đầu tư còn dàn trải, chưa tạo sức hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn gần đây, Bình Dương chưa thiết lập được chính sách ưu đãi riêng, đủ sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các lĩnh vực khuyến khích chủ yếu được nhấn mạnh vào đa dạng ngành nghề, chưa đi sâu vào lĩnh vực có tiềm năng cao như: công nghệ cao, tỷ suất lợi nhuận lớn, ít tốn tài nguyên và thân thiện với môi trường... do đó, chưa đủ sức ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư.
Thứ hai, chính sách xúc tiến đầu tư chưa thực sự chủ động và tạo ấn tượng rõ rệt đối với các nhà đầu tư. Mặc dù, đã chủ động trong xúc tiến đầu tư nhưng tỉnh Bình Dương vẫn gặp khó khăn, chưa tạo sức lan tỏa cao, phần lớn vẫn là nhà đầu tư tự tìm đến. Tỉnh vẫn chưa thiết lập các chính sách hiệu quả thực sự để thu hút FDI chất lượng cao.
Thứ ba, những cải cách về thủ tục hành chính chưa đủ tạo ra sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh Bình Dương đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đầu tư, tuy nhiên, vẫn chậm. Điều này tạo ra sự thiếu kết nối và gia tăng chi phí, ảnh hưởng đến kết quả đầu tư, kinh doanh của DN. Các quy định và thủ tục thẩm định, cấp giấy phép đầu tư còn hạn chế.
Thứ tư, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ở Bình Dương hiện đang gây khó khăn trong thu hút các dự án CNC, xanh sạch, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, các ngành có tỷ suất lợi nhuận cao thường liên quan đến CNC và được coi là ngành mũi nhọn. Điều này đòi hỏi lao động phải có trình độ, kiến thức chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của những ngành này.
Giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thu hút FDI vào Bình Dương
Nhằm hoàn thiện chính sách QLNN trong thu hút vốn FDI vào tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện chính sách hiệu quả đến hoàn thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, về chính sách thuế: Chính sách thuế thu hút FDI vào Việt Nam không nên tập trung quá mức vào ưu đãi thuế, mà cần hướng đến xây dựng một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp cho người nộp thuế.
Bên cạnh đó, cắt giảm các hồ sơ thủ tục không cần thiết. Một trong những hướng đi quan trọng đó là, tỉnh Bình Dương cần tiếp tục xem xét và cắt giảm các hồ sơ và TTHC không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo quản lý, căn cứ tính thuế một cách chặt chẽ. Điều này nhằm tránh tạo ra sự phiền phức thêm cho người nộp thuế.
Hai là, hoàn thiện chính sách hấp dẫn đối với thu hút FDI. Ban hành các chính sách nhằm nâng cấp hạ tầng hiện đại và tăng tính kết nối. Mặc dù trong thời gian gần đây, hạ tầng ở Bình Dương đã được phát triển khá hoàn thiện, nhưng đến hiện tại, một số phần của hạ tầng như: hạ tầng giao thông và điện lực đã trở nên quá tải do sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ.
Ba là, hoàn thiện chính sách xúc tiến đầu tư nước ngoài. Bình Dương cần thực hiện một sự đổi mới toàn diện trong công tác xúc tiến đầu tư. Ngoài việc triển khai các chương trình đã và đang được thực hiện, cần chú trọng khai thác các mạng xã hội để quảng bá về tiềm năng và lợi thế của địa phương. Sử dụng các mạng xã hội cho phép kết nối nhanh chóng và có khả năng lan tỏa rộng, đồng thời giảm chi phí...
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 997/QĐ-TTg ngày 02/06/2022 phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030;
- Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 17/06/2020 về việc thành lập tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài;
- Chu Tiến Minh (2020), Chính sách ưu đãi thuế và tránh thuế dưới hình thức chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và kinh doanh, số 36, 62-71;
- Vương Đức Tuấn (2010), Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở thủ đô Hà Nội giai đoạn 2001-2010, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
- UNCTAD (2012), World Investment Report 2012: Towards a new generation of investment policies.