KHO BẠC NHÀ NƯỚC:

Quản lý thu, kiểm soát chi ngân sách nhà nước hiệu quả

Gia Hân

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm.

Kho bạc Nhà nước chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý thu, kiểm soát chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2022.
Kho bạc Nhà nước chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý thu, kiểm soát chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, KBNN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Trong công tác quản lý thu 6 tháng đầu năm, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu, mở rộng việc phối hợp thu với các ngân hàng thương mại, thực hiện thu và hoàn phí, lệ phí thu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua đó, tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN. Thống kê đến hết ngày 30/6/2022, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 941.344 tỷ đồng, bằng 66,68% so với dự toán năm 2022, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 đạt 58,03% so với dự toán), trong đó: thu nội địa trong cân đối (không tính dầu thô) đạt 63,56% so với dự toán; thu từ dầu thô đạt 125,61% so với dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,36% so với dự toán (bao gồm dự toán hoàn thuế GTGT).

Trong công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN đã bám sát Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về điều hành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022, với tinh thần chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN đã thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, giải ngân kịp thời, đáp ứng các nhu cầu chi của các đơn vị sử dụng NSNN. Tính đến hết ngày 30/6/2022, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát khoảng 442.342 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN.

Điều hành ngân quỹ nhà nước theo hướng an toàn, minh bạch

Trong những tháng đầu năm 2022, KBNN đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) năm 2022 theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả.

KBNN đã tổ chức điều hành NQNN tập trung trong toàn hệ thống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN; Thực hiện việc tạm ứng/cho vay NQNN cho NSNN, gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM và mua lại có kỳ hạn TPCP theo phương án điều hành NQNN được Bộ Tài chính phê duyệt; chủ động tham mưu kịp thời cho các cấp lãnh đạo các giải pháp điều hành ngoại tệ đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán bằng ngoại tệ của NSNN.

Qua các hoạt động trên, công tác điều hành ngân quỹ của KBNN đã từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước, đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả đầy đủ, kịp thời cho các cấp ngân sách và các đơn vị mở tài khoản giao dịch tại KBNN tại mọi thời điểm.

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, KBNN xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 06 tháng còn lại của năm 2022 để quyết liệt triển khai thực hiện, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý tài chính - ngân sách năm 2022, cụ thể như sau:

Một là, tập trung nguồn lực xây dựng, triển khai các đề án, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm năm 2022 theo đúng tiến độ đã đề ra.

Hai là, tổ chức quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công.

Ba là, triển khai huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của ngân sách trung ương; tiếp tục tổ chức điều hành NQNN chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.

Bốn là, tổ chức tốt công tác kế toán, thanh toán, quyết toán NSNN. Triển khai thực hiện chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN theo đúng quy định; tổng hợp, lập báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ, đột xuất nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ điều hành NSNN của Bộ Tài chính, KBNN và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Năm là, quản lý Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 an toàn, công khai, minh bạch. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan triển khai việc quản lý Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính toàn diện trên các lĩnh vực theo hướng lấy người dân, đơn vị sử dụng ngân sách làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị KBNN.

Bảy là, đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý: Thực hiện nghiêm các quy chế, quy trình nghiệp vụ và quản lý nội bộ, đặc biệt là các các quy định về quản lý tài khoản tiền gửi của KBNN tại ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại, chế độ quản lý tiền mặt trong toàn hệ thống KBNN.

Tám là, thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Tiếp tục triển khai rà soát, đánh giá, đề xuất bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021- 2026 và triển khai quy hoạch giai đoạn 2026-2031; Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đào tạo lại, ưu tiên cho công tác đào tạo, cập nhập kiến thức cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kế toán; hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, ngạch công chức cho công chức các cấp theo quy định...

* Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - tháng 7/2022