Quản lý thuế phải công bằng với tất cả hoạt động kinh doanh
Đó là quan điểm của ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tại buổi tọa đàm với chủ đề “Quản lý thuế trong nền kinh tế số” được Tổng cục Thuế phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 8/5,
Nội dung buổi tọa đàm nhằm trao đổi, nắm bắt thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp số, một số kinh nghiệm quốc tế, những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, từ những trao đổi trong buổi tọa đàm, cơ quan quản lý sẽ có được định hướng để đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể các nội dung quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh tế số. Qua đó, các chính sách đưa ra sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động phát triển, đồng thời kê khai nộp thuế một cách đơn giản, thân thiện. Bên cạnh đó, giúp việc quản lý thu thuế đầy đủ, thực hiện đúng quy định và công bằng với tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh.
Ông Cao Anh Tuấn cho cho rằng, các thách thức mà Chương trình hành động Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận đưa ra nền kinh tế số và chính sách quản lý thuế là vấn đề nổi cộm hiện nay trong diễn đàn BEPS/OECD-G20, các diễn đàn thuế quốc tế nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Đây là nội dung có liên quan đến các vấn đề thuế quốc tế, thuế gián thu và thuế trực thu… cần được cập nhật và có giải pháp phù hợp trong quá trình sửa đổi các Luật thuế thời gian tới, đặc biệt đối với vấn đề cơ sở thuế trong loại hình cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều mô hình kinh doanh và giao dịch thương mại mới được sáng tạo ra, đặc biệt là thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam
Để tiếp cận được với các hình thức kinh doanh mới này, ngành Thuế cần xây dựng, ban hành chính sách phù hợp để bao quát nguồn thu, kiểm soát nguồn thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế số. Theo đó, trong thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiều biện pháp quản lý thu thuế đặc biệt liên quan đến việc quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo ông Huy, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vẫn còn những tồn tại như: việc cấp phép đăng ký kinh doanh còn gặp vướng mắc do một số hoạt động thương mại điện tử chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm vô hình chung đã gây khó khăn cho việc quản lý trong việc phân loại đúng ngành nghề, thu nhập để xác định nghĩa vụ thuế.
"Hóa đơn giấy vẫn là chứng từ được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch thương mại điện tử. Hóa đơn gắn với quản lý thuế giá trị gia tăng hiện nay với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử nhưng chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong quản lý kê khai" - ông Lưu Đức Huy chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube…
Theo ông Huy, để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, cần phải có các hướng dẫn chi tiết cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế.
Tại tọa đàm, đại diện WB cho rằng, trong hệ thống thuế cần phải đảm bảo công bằng trung lập, vừa đảm bảo thu ngân sách vừa đảm bảo sự phát triển của thương mại điện tử và không tạo bất lợi với doanh nghiệp truyền thống.
Dưới góc độ là chuyên gia cao cấp về thuế của WB, ông Jonathan Leigh Pemberton cho rằng: Kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và ngày càng phát triển so với kinh doanh truyền thống. Do vậy trong hệ thống thuế chính sách cần đảm bảo tính công bằng và trung lập, không bóp nghẹt sự phát triển của thương mại điện tử và không tạo ra sự bất lợi đối với doanh nghiệp truyền thống.
“Về cơ bản cơ chế sở ở đây là đơn giản hoá việc kê khai và nộp thuế, tất cả đều thực hiện trực tuyến, đây là mô hình được triển khai ở nhiều nước và là thông lệ được coi là tốt nhất trên thế giới. Dường như đây cũng là định hướng mà Việt Nam đang hướng đến. Nội dung chính là tạo ra nền tảng hay cổng thông tin trực tuyến để giúp nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp, các nhà cung ứng nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký, kê khai và nộp thuế”, ông Jonathan Leigh Pemberton nói.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến đến từ các tổ chức quốc tế như WB, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN; Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội; các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông... cũng chia sẻ về những giải pháp, cũng như những khó khăn, thách thức trong việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế, đại diện các bộ, ngành cũng cam kết sẽ đồng hành cùng ngành Thuế trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Việt Nam.
Một trong những nội dung quan trọng tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội Khóa XIV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Đó là bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử; bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam; bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hướng ban hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử.