Quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Mục tiêu điện tử hóa các khâu trong quản lý thuế luôn được ngành Thuế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, tạo nền móng vững chắc trong quá trình chuyển đổi số của Ngành.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đặt ra mục tiêu cải cách quản lý thuế theo hướng hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác hiện đại hóa quản lý thuế ở tất cả các khâu; chuyển đổi phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Trên thực tế, cải cách quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả đã được ngành Thuế đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đăng ký thuế điện tử hiện đạt 100%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99%, hoàn thuế điện tử đạt gần 98%... Năm 2022, toàn Ngành đã hoàn thành nâng cấp các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế như: HTKK, eTax, iCanhan; Tổng cục Thuế đã xây dựng và chính thức triển khai ứng dụng eTax Mobile.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2022, ngành Thuế đã “phủ sóng” hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp và các hộ cá nhân kinh doanh tính thuế theo phương pháp kê khai. Gần đây nhất, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử và Chương trình hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền.
Trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung và đáp ứng 100% nhu cầu về thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu cho quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế, cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế...
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) Vũ Lê Huy, trong thời gian tới, toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục duy trì hoạt động hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp nhận, xử lý dữ liệu về hoá đơn điện tử.
Trong đó, tập trung duy trì vận hành ổn định hệ thống công nghệ thông tin để tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp, tổ chức thành lập mới. Đặc biệt là tiếp nhận số lượng hóa đơn rất lớn từ các tập đoàn, tổng công ty như điện lực, xăng dầu, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, sàn thương mai điện tử....
Đồng thời, duy trì các kênh hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan thuế các cấp về phần mềm hóa đơn điện tử qua đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử và qua chatbot. Chú trọng bổ sung nguồn lực để duy trì và tăng cường quản trị, vận hành hệ thống, ứng dụng 24/7 đảm bảo hoạt động ổn định không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, chủ động triển khai các phần mềm quản trị hệ thống tự động theo dõi, báo cáo và cảnh báo sự cố liên quan đến hoạt động của các hệ thống máy chủ, ứng dụng, dịch vụ (micro service); triển khai phần mềm theo dõi trực tuyến (online) về sức khỏe của hệ thống (đường truyền, cơ sở dữ liệu...).
Ngành Thuế cũng tiến hành triển khai mở rộng hạ tầng kỹ thuật (bổ sung tài nguyên phần cứng máy chủ, thiết bị lưu trữ, sao lưu, mạng) đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý số lượng hoá đơn lớn, trung bình khoảng 6,4 tỷ hóa đơn trong một năm.
Tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, kết nối với các dữ liệu liên quan về đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế (GTGT, TNDN, TTĐB,..) trên cơ sở đó áp dụng các giải pháp phân tích dữ liệu lớn để triển khai các công cụ khai thác, phân tích rủi ro.
Song song với đó, tiếp tục triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” để tạo hiệu ứng lan tỏa khuyến khích người mua lấy hóa đơn, yêu cầu người bán gửi hóa đơn đến cơ quan thuế
Đối với việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan thuế khởi tạo từng máy tính tiền theo quy định tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngành Thuế sẽ triển khai một số giải pháp nhằm thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế.
Điển hình như: cung cấp thông tin, dữ liệu về hoá đơn điện tử cho người tiêu dùng, các cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan, qua đó tạo các kênh giám sát nhiều chiều giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế...