Hoàn thiện và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế và chuyển đổi số


Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, giai đoạn 2022-2025 ngành Thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.

Phát triển hệ thống CNTT theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số

Theo ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế), thời gian qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Việc ngành Thuế đẩy mạnh cải cách, ứng dụng CNTT,  hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác là nền tảng phát triển các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, góp phần giúp ngành Thuế đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

 

 

Trong 2 năm liên tiếp (năm 2021-2022), Tổng cục Thuế vinh dự được nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc . Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc là động lực cho ngành Thuế tiếp tục mở rộng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong ngành Thuế trong giai đoạn tiếp theo.

Phát huy các thành tích đạt được trong công tác chuyển đổi số năm 2021-2022, trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Thứ hai, cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách.

Thứ ba, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế...

Thứ tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống CNTT được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Giải pháp trọng tâm trong chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025

Để có được sự thành công trong chuyển đổi số, giai đoạn 2022-2025, ngành Thuế sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế.

Trong đó, cơ quan Thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; Xây dựng Kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.

Ngành Thuế tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống Quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn…; Phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.

Ngành Thuế triển khai các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới theo hướng tập trung dữ liệu quản lý từ các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới; đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát tự động 24/7, quy định trách nhiệm phối hợp quản lý của sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ số.

Nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế thông minh sẽ được ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, tập trung triển khai nền tảng quản trị dữ liệu hiện đại hỗ trợ dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu chủ; triển khai các mô hình phân tích dự báo dữ liệu hỗ trợ quản trị rủi ro, quản trị chất lượng và quản trị hiệu năng.

Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật của toàn Ngành tiếp tục được hoàn hiện nhằm đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng chuyển đổi số. Trong đó, kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế...