Ngành Thuế đặt quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2023
Đứng trước những áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo dự toán Quốc hội đã giao, ngành Thuế đã nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, dự toán thu NSNN năm 2023 Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng, cao hơn dự toán thu năm 2022 gần 17%.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn, đứng trước những áp lực trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2023, toàn ngành Thuế đã đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế.
Theo đó, ngành Thuế đã nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình mới. Ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm và trong suốt cả năm 2023, cơ quan thuế các cấp bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế (NNT) vượt qua khó khăn, qua đó giúp doanh nghiệp (DN) có thêm nguồn lực tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề cho tăng thu NSNN bền vững, đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn Ngành tổ chức theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới, những chính sách về tiền tệ mà các nước thực hiện tác động đến thị trường, giá cả hàng hóa trên thế giới và tác động trực tiếp, gián tiếp tới DN trong nước để nhận diện đúng những rủi ro sẽ phải đối mặt để kịp thời tham mưu các giải pháp căn cơ về tài khoá, tiền tệ, đầu tư, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế…
Đồng thời, khẩn trương rà soát, triển khai giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu phù hợp với thực tế để cơ quan thuế các cấp thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thuế ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023.
Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh; Rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả...
Ngành Thuế trong cả nước cũng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử.
Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu theo chức năng; trong đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền.
Công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử ngành thuế các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để NNT nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế...
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế; Xây dựng và triển khai nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, tập trung thanh tra, kiểm tra, chống thất thu đối với các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các DN hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu, các DN được miễn, giảm thuế, DN có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng vốn, thương hiệu, dự án...
Tổ chức rà soát số nợ thuế đến ngày 31/12/2022, tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14, xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023 cho cơ quan thuế các cấp dưới thực hiện; phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2023 giảm xuống dưới 5% tổng thu NSNN.
Ngoài ra, tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của NNT. Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu HĐĐT trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hóa đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, cho thuê nhà, các loại phí, lệ phí... Đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý đối với các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản... thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành Thuế...