PGS,. TS. Nguyễn Anh Phong, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh:
Quản lý thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng: Thế giới cũng gặp khó, không riêng gì Việt Nam
Dịch Covid-19 khiến ngành nghề kinh doanh theo phương thức truyền thống ngày càng khó khăn và dần thu hẹp. Thay vào đó, loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ nói chung và kinh doanh qua mạng nói riêng đang sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý các mô hình kinh doanh này chưa được chặt chẽ, có nhiều kẽ hở, dẫn đến tình trạng thất thu thuế rất lớn. Tạp chí điện tử Tài chính đã có cuộc phỏng vấn với PGS,. TS. Nguyễn Anh Phong, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng hiện nay?
PGS., TS. Nguyễn Anh Phong: Việc quản lý và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số hiện nay của Việt Nam nhìn chung còn rất nhiều hạn chế và bất cập. Rất nhiều mảng kinh doanh, đầu tư... qua các nền tảng (platform) công nghệ mà chúng ta còn chưa biết hết, đặc biệt là các trang mạng đặt tại nước ngoài. Tóm lại, chúng ta chưa quản lý được cả về thông tin, dòng tiền, các giao dịch tự động nên việc thất thu thuế từ hoạt động này là hiển nhiên.
Trên thế giới, việc quản lý thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh mạng như thế nào, thưa ông?
Các nước trên thế giới nhất là các nước châu Âu, các quốc gia thuộc OECD cũng đã và đang hoàn chỉnh các khung pháp lý, các quy định để quản lý và thu thuế trên nền tảng công nghệ (bao gồm cả kinh doanh và đầu tư). Chẳng hạn, vào tháng 3/2018, Ủy ban Châu Âu (EU) đưa ra hai đề xuất về thuế trên nền kinh tế kỹ thuật số gồm:
Thứ nhất, về giải pháp tạm thời, sẽ áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số 3% (Digital Services Tax) áp dụng cho các khoản thu từ điều khoản này. Các dịch vụ cụ thể của các công ty có doanh thu toàn cầu hàng năm từ một số dịch vụ kỹ thuật số nhất định là 750 triệu euro và doanh thu chịu thuế của EU là 50 triệu euro.
Thứ hai, về giải pháp dài hạn, sẽ yêu cầu cập nhật khái niệm “cơ sở thường trú” để giải thích cho “sự hiện diện kỹ thuật số quan trọng”. Đề xuất này đòi hỏi một cải cách chung của hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp quốc gia và đưa ra các quy tắc để phân chia lợi nhuận cho các doanh nghiệp kỹ thuật số.
Nhìn chung, phương pháp được đề xuất của EU nhằm mục đích ngăn chặn việc tạo ra những trở ngại cho khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, tránh sự phân mảnh thị trường và giảm thiểu tác động tiêu cực đến đầu tư, đổi mới và cuối cùng là tăng trưởng.
Hay như tại Hội nghị G20 ngày 9/6/2019, ở Fukuoka (Nhật Bản), các quan chức tài chính đã đồng ý về tính cấp thiết xây dựng một hệ thống toàn cầu để đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn như: Google, Facebook, Amazon, Apple... Theo đó, G20 đã giao cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu hoàn thiện một hệ thống thuế quốc tế để “vá lỗ hổng” đang giúp các công ty công nghệ lợi dụng chỉ phải trả mức thuế rất thấp ở những quốc gia như Ireland, trong khi không phải trả bất cứ đồng thuế nào ở những nước đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho họ.
Theo ông, thách thức đối với ngành Thuế trong việc quản lý thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng là gì?
Như tôi đã đã đề cập, việc quản lý thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng thì thế giới cũng gặp khó, không riêng gì Việt Nam. Hiện nay, ngay cả các nước phát triển cũng đang phải xây dựng lại khung pháp lý, các khái niệm… vì các quy định cũ chưa quy định rõ cơ sở thu thuế (tax-base) đối với hoạt động kinh doanh và đầu tư trên nền tảng công nghệ. Do vậy, việc trước hết, Việt Nam cũng cần hoàn chỉnh, bổ sung các khái niệm, các quy định đối tượng thu thuế từ kinh doanh, đầu tư trên nền tảng công nghệ, nhất là khái niệm về “thường trú” theo khái niệm “không gian” mạng.
Thách thức lớn thứ hai là hạ tầng kỹ thuật công nghệ và con người. Các chủ thể, đối tượng kinh doanh, đầu tư dựa trên nền tảng công nghệ, các nền tảng giao dịch, các App giao dịch, ứng dụng,…về mặt công nghệ chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhưng đòi hỏi cần có hệ thống máy tính tốt, vận hành tốc độ cao.
Cùng với đó, phải có một đội ngũ nguồn nhân lực là nhân viên thuế có kiến thức về quản trị, kinh tế, tài chính và cả kiến thức về công nghệ. Đây là thách thức lớn cho không chỉ riêng ngành Thuế vì cần nguồn nhân lực chất lượng cao, am tường trên cả hai khía cạnh là quản lý và công nghệ.
Theo quan điểm của ông, có thể giải quyết triệt để được vấn đề thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng không?
Nói về giải quyết triệt để tôi e rằng rất khó vì ngay cả các nước có nền kinh tế và công nghệ tiên tiến hơn Việt Nam vẫn không thể giải quyết triệt để mà cũng đang trên lộ trình hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn thế giới và Việt Nam cũng sẽ thực thi được vấn đề chống thất thu thuế đối với các hoạt động này một khi chúng ta có cơ sở pháp lý vững, máy móc kỹ thuật hiện đại và con người có kiến thức chuyên môn cao về kinh tế và công nghệ. Đồng thời, có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thuế của các nước.
Tới đây, chúng ta phải làm gì để hạn chế, giảm thiểu tình trạng thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua mạng, thưa ông?
Chúng ta cần có các kế hoạch, giải pháp, lộ trình cho cả ngắn hạn và dài hạn, cụ thể:
Trước mắt, biện pháp hữu hiệu nhất có lẽ là quản lý từ đầu nguồn cung cấp dịch vụ, tức là thông qua các trang bán hàng, mua sắm, cung ứng dịch vụ trực tuyến hiện nay vốn đang phát triển rất mạnh. Đây là “nguồn đầu vào” có thể cho biết chính xác doanh thu bán hàng của từng chủ thể. Kế đến là từ các đơn vị giao hàng (ship) như bưu điện, grap sẽ biết được khối lượng giao dịch. Cuối cùng là thông qua kênh giao dịch thanh toán qua các ngân hàng để có thể biết được giá trị giao dịch thanh toán vì hầu hết các giao dịch cũng được thanh toán qua kênh ngân hàng.
Về dài hạn, chúng ta cần hoàn chỉnh cơ sở pháp lý, các khái niệm phù hợp trong hoàn cảnh thu thuế qua kinh doanh, đầu tư của các tổ chức và cá nhân. Ký kết hợp tác quốc tế trong quản lý thu thuế đối với các nhà mạng, nền tảng nằm ngoài Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu quản lý thuế qua nền tảng kỹ thuật công nghệ.
Việc nộp thuế là trách nhiệm của công dân. Vấn đề là ý thức và dân trí của nước ta chưa cao nên tính tự giác kê khai, nộp thuế cũng rất thấp. Do vậy, bên cạnh xây dựng cơ sở thuế minh bạch, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền gắn với các chế tài phạt nghiêm minh.
Xin cảm ơn ông!