Quản lý vốn và sử dụng tài sản của Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện thế nào?

PV.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 49/2018/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/7/2018.

Trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nguồn: internet
Trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nguồn: internet

Theo đó, vốn hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam bao gồm: Vốn do Nhà nước đầu tư tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Việc bảo toàn vốn nhà nước tại Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện theo các biện pháp sau đây: Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật; Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro; Các biện pháp khác về bảo toàn vốn và tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Mọi biến động về vốn, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông Vận tải giám sát và Bộ Tài chính để theo dõi.

Theo Thông tư số 49/2018/TT-BTC, việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định nhằm đáp ứng các hoạt động cung cấp dịch vụ đăng kiểm và thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Cục Đăng kiểm Việt Nam được thuê tài sản (bao gồm cả hình thức thuê tài chính) để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của đơn vị và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Việc thuê và sử dụng tài sản thuê phải tuân theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quản lý, sử dụng tài sản cố định trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 25 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện cho thuê, cầm cố, thế chấp tài sản cố định (nếu có) theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp…

Bên cạnh các quy định nêu trên, Thông tư số 49/2018/TT-BTC còn hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan tới doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động; phân phối lợi nhuận; kế hoạch tài chính, chế độ kế toán, thống kê và kiểm toán.