Quản trị tài chính để vượt qua khủng hoảng
“Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính cho ít nhất 3 năm tới để chuẩn bị sẵn sàng trước những cú sốc kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến cáo tại tọa đàm “Quản trị tài chính - Lời giải cho bài toán tài chính doanh nghiệp sau khủng hoảng” sáng 11/3.
Đối mặt nhiều khó khăn
Tổng giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển nhân lực DGroup Lê Dung cho biết, trong 2 năm vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều sự bất ổn và cuốn theo vòng xoáy của đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, bình quân một tháng có 21,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động nhưng cũng có 22,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, năm 2021, bình quân mỗi tháng chỉ có 10 nghìn doanh nghiệp rời thị trường. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang gánh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Không chỉ vậy, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều yếu tố tác động tiêu cực và bất ngờ. Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra xáo trộn cho thị trường năng lượng, hệ thống tài chính thế giới cũng như thị trường vàng và các loại hàng hóa khác.
Lạm phát của Việt Nam sẽ ảnh hưởng do chi phí đẩy, tác động của lạm phát thế giới. Cuộc khủng hoảng này cũng sẽ tác động đến thương mại của Việt Nam với những quốc gia khác. Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì nhu cầu hàng hóa sẽ sụt giảm do người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu…
Chuẩn bị sẵn sàng cho những "cú sốc"
Tuy vậy, trong khó khăn có không ít doanh nghiệp vẫn đứng vững và không ngừng tăng trưởng. “Yếu tố quan trọng tạo ra sự khác biệt đó chính là dựa vào năng lực quản trị tài chính để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng”, Tổng Giám đốc Công ty Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup Lê Dung nhận định.
Trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo doanh nghiệp “cần xây dựng kế hoạch tài chính ít nhất là cho 3 năm tới để có sự chuẩn bị sẵn sàng trước những cú sốc kinh tế”. Một trong những bước để quản trị tài chính chặt chẽ là phải quản lý, dự báo, nắm bắt được rủi ro trong kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng các nguồn dự phòng, tránh trường hợp khi thị trường có biến động thì không đủ tiềm lực tài chính vượt qua khủng hoảng.
Về phía các tổ chức tín dụng, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) Đinh Thế Cường cho biết các ngân hàng hiện có rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời tiến tới phê duyệt thủ tục trực tuyến theo đúng tiến trình số hóa, loại hình sản phẩm cho vay đa dạng hơn…
Khẳng định hỗ trợ của các ngân hàng rất đáng quý song ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty Sản xuất cơ điện và thương mại Phương Linh cho rằng, đó chỉ là đòn bẩy tài chính, là sự khởi đầu trong kế hoạch kinh doanh.
Doanh nghiệp cần phải nâng cao tính tự chủ và cải thiện khả năng quản trị của mình, cân bằng giữa thu và chi, giữ uy tín với ngân hàng để có quan hệ tài chính tốt. Bên cạnh đó, cần chủ động ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là trong quản trị tài chính; xây dựng đội ngũ có chuyên môn cao phụ trách quản lý an ninh tài chính để hạn chế rủi ro.