Quy định mức chi NSNN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa
Theo quy định tại Thông tư số 35/2021/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, doanh nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ kinh phí cho việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, áp dụng các hệ thống quản lý công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù…
Thông tư số 35/2021/TT-BTC quy định, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện tham gia Chương trình 1322 theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ mới được NSNN hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tham gia các chương trình đào tạo của quốc tế.
Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, doanh nghiệp còn được NSNN hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị.
Bên cạnh đó, DN cũng được hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Về dự toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và theo các quy định hiện hành về chế độ, định mức chi tiêu NSNN; thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 88/2017/TT-BTC ngày 22/8/2017 của Bộ Tài chính quy định cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán thu, chi NSNN, các tổ chức, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ của Chương trình 1322, căn cứ vào các nhiệm vụ được phê duyệt và nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 35/2021/TT-BTC để lập dự toán kinh phí, gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp chung vào dự toán của các bộ, ngành, địa phương gửi cơ quan tài chính (đối với chi thường xuyên), cơ quan kế hoạch và đầu tư (đối với nội dung chi đầu tư phát triển) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và phối hợp thực hiện.