Quy định về giám sát với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

PV.

Ngày 01/08 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Quy định về giám sát với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nguồn: Internet
Quy định về giám sát với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nguồn: Internet
Thông tư được ban hành nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các rủi ro gây mất an toàn hệ thống, ngăn ngừa khả năng xảy ra tổn thất làm giảm vốn tự có, thu nhập dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Thông tư  áp dụng với các đối tượng là Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về nội dung giám sát ngân hàng, Thông tư quy định như sau:
Một là, thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu giám sát;
Hai là, xem xét, theo dõi tình hình chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng của đối tượng giám sát ngân hàng;
Ba là, phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
Bốn là, phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động, các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hệ thống các tổ chức tín dụng;
Năm là, kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định rõ về thực hiện việc giám sát ngân hàng, các đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng phải thực hiện đầy đủ 04 bước sau:

Bước 1: Thu thập, tổng hợp, xử lý và lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu;

Bước 2: Phân tích, đánh giá đối tượng giám sát ngân hàng theo 2 hình thức gồm giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô;

Bước 3: Đề xuất các hoạt động can thiệp, chỉnh sửa bao gồm các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng;

Bước 4: Giám sát sau thanh tra khi nhận được kết luận thanh tra về đối tượng giám sát ngân hàng từ đơn vị thực hiện thanh tra ngân hàng.
Đồng thời, Thông tư đã quy định về các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng, bao gồm: Khuyến nghị, cảnh báo; Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2017. Đồng thời, bãi bỏ Quyết định số 398/1999/QĐ-NHNN ngày 09/11/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế giám sát từ xa đối với các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.