Thị trường trái phiếu Việt Nam:
Quy mô nhỏ, tăng trưởng nhanh
(Tài chính) Với việc Quốc hội thông qua kế hoạch phát hành thêm 170 nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong giai đoạn 2014 - 2016 đã tạo áp lực rất lớn lên các cơ quan quản lý, phóng viên đã phỏng vấn ông Krakowski - chuyên gia của Tổ chức hợp tác phát triển Đức - GIZ, đơn vị tư vấn cho Việt Nam xây dựng thị trường trái phiếu (TTTP) chuyên biệt về vấn đề này.
Ông Krakowski: Từ năm 1994 đến nay, GIZ tập trung sự hỗ trợ đối tác Việt Nam ở các lĩnh vực chính sách quan trọng như các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và đồng thời tư vấn xây dựng các thị trường tiền tệ, TTCK, đặc biệt là thị trường TPCP.
GIZ rất phấn khởi khi thấy TTTP của Việt Nam đã được thiết lập và có bước tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong các năm gần đây. Tính thanh khoản của TTTP đã được cải thiện đáng kể mà biểu hiện rõ nhất là việc công bố được đường cong lãi suất có thời hạn tới 10 năm, một công cụ làm chuẩn cho thị trường tài chính.
Chúng tôi coi đây là một tiêu chí đánh giá đã đạt được khá sớm trong điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn rất khó khăn và TTTP còn rất non trẻ.
Trong các chương trình, dự án đã thực hiện, chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác với HNX và coi đây là một trong những hợp tác có kết quả cụ thể nhất. GIZ đã hỗ trợ kỹ thuật cho HNX phối hợp với Kho bạc Nhà nước xây dựng đề án và thực hiện việc hoán đổi TPCP.
Cho đến nay, Việt Nam đã chuyển đổi thành công một số đợt, cùng với việc phát hành lô lớn đã làm tăng tính thanh khoản của thị trường sơ cấp và thứ cấp. Gần đây VDB đang phối hợp với HNX xây dựng đề án chuyển đổi trái phiếu được chính phủ bảo lãnh của VDB. GIZ cũng đã và đang hỗ trợ HNX trong việc xây dựng các sản phẩm mới trái phiếu mới, bao gồm cả các sản phẩm phái sinh về trái phiếu.
Với vai trò là chuyên gia tư vấn, xin ông cho biết những điểm còn hạn chế và những giải pháp giúp phát triển TTTP Việt Nam?TTTP Việt Nam tăng trưởng nhanh, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 12-15% GDP, tức là vẫn còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó vẫn chủ yếu là TPCP, còn TPCP bảo lãnh có quy mô và thanh khoản rất thấp. TTTP doanh nghiệp chưa thực sự có vai trò quan trọng và chưa được quản lý tốt.
Các sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm phát sinh chưa có hoặc không chính thức và hoàn toàn chưa có khung pháp lý để điều tiết và giám sát cũng như bảo đảm an toàn trong giao dịch.
Các điều kiện khung của TTTP hiện nay chưa ổn định và thiếu tính bền vững như: Thâm hụt ngân sách khá cao, nguồn và cơ sở thu khó khăn, lãi suất trái phiếu cao. Quy mô nợ khi tính cả công nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước là rất cao, dẫn đến nhu cầu phát hành mới trả nợ cũ là rất lớn. Trong khi đó hiệu quả đầu tư công còn rất thấp.
Hiện nay khoảng 80% khối lượng và giao dịch trái phiếu là của các ngân hàng thương mại. Một sự mất ổn định của TTTP sẽ là nguy cơ lớn cho hệ thống ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống tài chính nói chung của Việt Nam.
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống tài chính là giải pháp căn bản nhất cho một TTTP phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam nên giảm dần mức thâm hụt và tiến tới cân bằng ngân sách nhà nước, thực thi nhanh chóng các đề án đã và đang được xây dựng về các sản phẩm mới về trái phiếu và chuyển đổi thanh toán trái phiếu sang Ngân hàng Nhà nước, nhằm bảo đảm an toàn cho thị trường và tăng cường quản trị rủi ro.
Xin cảm ơn ông!