Quý ông nên tránh xa nước chanh, thuốc giải rượu khi say
Bác sĩ khuyến cáo khi say rượu không nên uống nước chanh, uống thuốc giải rượu hay thuốc chống nôn.
Uống thuốc giải rượu vẫn ngộ độc
Hiện trên thị trường đang quảng cáo vô số loại thuốc giải rượu khiến các đệ tử lưu linh coi đây là “bảo bối”, uống thoải mái không say.
Tuy nhiên BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bênh viện Bạch Mai cảnh báo, đây là quan niệm hết sức sai lầm.
Trung tâm đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân uống tới say xỉn rồi tống thuốc giải rượu vào, phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộc độc rượu. Đáng lưu ý, những trường hợp này thường nhập viện trong tình trạng nặng hơn, bởi tâm lý đã dùng thuốc giải rồi có thể uống vô tư.
Hay có những người mắc bệnh gan nhưng lạm dụng thuốc giải rượu, dẫn tới suy gan phải nhập viện.
“Tình trạng lạm dụng các loại thuốc giải rượu đang có xu hướng gia tăng. Trong khi thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh được hiệu quả rõ ràng của thuốc giải rượu, kể cả dạng uống hay tiêm”, BS. Nguyên nhấn mạnh.
Theo BS. Nguyên, những loại thuốc này thường chỉ có tác dụng hỗ trợ phần nào với tác động chính là bù đắp muối, khoáng, vitamin. Không có chuyện cứ đang say dùng thuốc là tỉnh.
BS cũng khuyến cáo, khi say rượu không nên uống các thuốc chống nôn, vì sẽ khiến chất độc giữ lại trong cơ thể, gan không thể lọc kịp, gây tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ gây xơ gan, ung thư gan.
Sai lầm khi dùng nước chanh
BS. Nguyên chia sẻ, hầu hết mọi người đều lầm tưởng uống nước chanh hoặc đồ uống chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn mà không biết loại đồ uống này có thể gây tổn thương dạ dày.
“Nếu vẫn còn lượng rượu trong người thì khi kết hợp với đồ uống chua dễ gây nôn thêm, gây tổn thương dạ dày do có axit”, BS. Nguyên giải thích.
|
Thêm nữa, các “ma men” thường rất dễ ngủ trong lúc say, nếu cho uống nước chanh gây nôn trong lúc ngủ có thể khiến dịch nôn, thức ăn chui vào phổi gây sặc, ngạt thở và có thể tử vong nếu không được sơ, cấp cứu kịp thời.
Do vậy, thay vì uống nước chanh thì nên cho người say uống các đồ uống có đường, mật ong, muối, nước canh, sữa...
Một sai lầm khác cũng được nhiều người áp dụng là uống aspirin hoặc paracetamol trước hoặc sau khi uống rượu để giảm các cơn đau đầu, tăng “đô rượu”.
“Đây là điều cấm kỵ. Paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm. Khi uống rượu, bia vào, gan đang bị ảnh hưởng lại thêm paracetamol cùng một lúc chuyển hoá có thể làm gan tê liệt. Hay như aspirin, một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống phối hợp với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, tá tràng, dẫn đến viêm loét hoặc thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa”, BS. Nguyên khuyến cáo.
Để tránh nguy hiểm, BS. Nguyên khuyên mọi người nên uống rượu ở mức vừa phải. Nên uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc; không dùng rượu bia không rõ nguồn gốc; không nên uống nhiều loại rượu cùng lúc.
Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt... sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay.
Không có ngưỡng uống rượu bia an toàn
BS. Nguyễn Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định không có mức độ uống rượu bia nào thật sự an toàn.
Khi sử dụng rượu bia, tốt nhất không uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn tương đương 3/4 lon bia 330ml (5%), 1 ly rượu vang 100ml (13,5%), 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 30ml rượu mạnh (40%).