Quy trình, thủ tục trong lĩnh vực đấu thầu cần sửa đổi theo hướng nhanh chóng
Về hướng hoàn thiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu, Chính phủ lưu ý Bộ Tài chính việc thành lập và thành phần của Hội đồng thẩm định cần nghiên cứu để gọn hơn, không quá cồng kềnh.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của việc sửa các quy định của pháp luật về đấu thầu lần này là để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương và giải pháp xác định tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Qua đó, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa quy trình thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.

Liên quan đến hướng hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 23/4/2025 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ.
Theo đó, việc tiếp thu cần bảo đảm một số yêu cầu: Rà soát, nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đấu thầu quy định chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc đấu thầu hay chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu, đồng thời quy trình, thủ tục phải bảo đảm nhanh chóng, không rườm rà như quy định hiện hành; việc thành lập và thành phần của Hội đồng thẩm định cần nghiên cứu để gọn hơn, không quá cồng kềnh, làm mất nhiều thời gian.
Chính phủ lưu ý, rà soát kỹ các nội dung cần có quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật này có hiệu lực thi hành. Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi các quy định của Luật Đấu thầu lần này tập trung vào các quy định về: Áp dụng Luật Đấu thầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; ưu đãi trong đấu thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; phân cấp, phân quyền trong đấu thầu; hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với dự án đầu tư kinh doanh; giám sát hoạt động đấu thầu…
Sau khi hoàn thiện dự thảo Luật theo chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo Luật vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp diễn ra trong tháng 5 tới. Tại phiên họp này, nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo được nêu ra.
Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh, quy định “chỉ áp dụng đấu thầu đối với dự án của doanh nghiệp nhà nước có sử dụng trên 50% vốn ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư của dự án” giúp tăng tính tự chủ, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng cần làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn, tiêu chí xác định tỷ lệ 50% và đánh giá tác động chính sách.
“Đây là thay đổi chính sách lớn, đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Mạnh đề xuất.
Liên quan đến các chính sách ưu tiên trong lựa chọn thầu, lĩnh vực thầu đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để thống nhất với Luật Doanh nghiệp và một số luật khác ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đề nghị bổ sung nội dung nhà thầu thực hiện các gói thầu ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các gói thầu trong Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi được hưởng chính sách ưu đãi như đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ...