Quyết tâm làm sạch thị trường của Bộ Tài chính là pha ghi điểm đáng giá trong mắt nhà đầu tư ngoại
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, động thái “chấn chỉnh” thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau những vụ việc vừa qua cho thấy rõ quyết tâm của Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng trong việc làm minh bạch thị trường, ghi điểm trong mắt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Phóng viên: Trong 2 năm qua, Bộ Tài chính đã có nhiều cảnh báo nhà đầu tư về TPDN. Theo ông, nhà đầu tư có thể gặp những rủi ro gì?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường TPDN là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp và là kênh đầu tư tiềm năng đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu cũng có nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư cần tìm hiểu, cân nhắc, thận trọng tránh thiệt hại. Đặc biệt, nhà đầu tư cần tránh trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu, dự án bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai và những trái phiếu không có đơn vị bảo lãnh phát hành.
Rủi ro từ TPDN không có tài sản bảo đã rõ ràng. Ngay cả TPDN có tài sản bảo đảm nhưng giá trị của các tài sản này lại thường không được định giá chính xác, hoặc dễ biến động mạnh cũng dễ dàng đẩy nhà đầu tư vào nguy cơ mất tiền. Những dự án bất động sản hay tài sản hình thành trong tương lai nếu vì lý do nào đó, doanh nghiệp không còn khả năng hoàn thành, không có khả năng chi trả thì nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro rất cao.
Hay tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của doanh nghiệp luôn dễ biến động, phụ thuộc diễn biến thị trường. Trường hợp thị trường đi xuống, hoặc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc bị ảnh hưởng thông tin tiêu cực khiến giá cổ phiếu đi xuống, lúc này giá trị bảo đảm không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Việc lấy cổ phiếu của chính doanh nghiệp để bảo đảm cho món nợ của chính doanh nghiệp đó không có giá trị thực tế, trừ những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp niêm yết có uy tín trên thị trường chứng khoán.
Phóng viên: Khi nhà đầu tư cá nhân mua TPDN qua các công ty chứng khoán và ngân hàng giới thiệu, mức độ an toàn có cao hơn, thưa ông?
Dù vào thời điểm nào, tôi vẫn hoàn toàn đánh giá cao động thái siết chặt TPDN của Bộ Tài chính. Chúng ta cần một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, không có chỗ cho những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, vi phạm pháp luật.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nhiều người hiểu lầm rằng, mua trái phiếu doanh nghiệp do các công ty chứng khoán và ngân hàng giới thiệu là an toàn. Sự hiểu lầm này rất dễ dẫn tới rủi ro lớn. Bởi khi mua TPDN, nhà đầu tư cho doanh nghiệp vay tiền, chứ không phải cho ngân hàng vay. Ngân hàng hay công ty chứng khoán chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, môi giới, hỗ trợ kỹ thuật và kiếm hoa hồng. Họ không có trách nhiệm đối với quyết định xuống tiền của nhà đầu tư cá nhân.
Trừ trường hợp ngân hàng đứng ra bảo lãnh lô trái phiếu đó. Tuy nhiên, việc bảo lãnh cũng phải được xem xét kỹ càng. Ví dụ có nhiều ngân hàng bảo lãnh phát hành trái phiếu nhưng đi kèm điều kiện khác, thường không có lợi cho phía nhà đầu tư cá nhân.
Nếu nhà đầu tư cá nhân không hoàn thành trách nhiệm của mình theo điều khoản, ngân hàng sẽ từ chối nghĩa vụ bảo lãnh. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên lựa chọn đầu tư TPDN được ngân hàng bảo lãnh không điều kiện.
Phóng viên: Gần 1,2 triệu tỷ đồng đang được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu. “Bom nợ” này có điểm rơi đáo hạn sau vài năm nữa, buộc cơ quan quản lý phải có nhiều động thái siết chặt. Ông có nhận định gì về động thái siết TPDN?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện, Chính phủ, Bộ Tài chính đang siết lại việc kiểm soát TPDN, vì trong thời gian vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp gian dối, có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường khiến thị trường bị méo mó, như vụ Tân Hoàng Minh, FLC. Thực ra, tôi đã từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về TPDN, đặc biệt TPDN bất động sản mấy năm nay rồi.
Dù vào thời điểm nào, tôi vẫn hoàn toàn đánh giá cao động thái siết chặt TPDN của Bộ Tài chính. Chúng ta cần một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, không có chỗ cho những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, vi phạm pháp luật.
Phóng viên: Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc siết chặt kênh dẫn vốn này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong những năm gần đây, doanh nghiệp có thị trường trái phiếu để gây vốn, gọi vốn, mở ra một kênh dẫn vốn mới. Có thể việc siết TPDN ảnh hưởng đến quá trình huy động vốn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, những trường hợp như Tân Hoàng Minh và một vài trường hợp khác nữa cho thấy việc siết lại là đúng. Đây là cái giá mà thị trường phải trả để tạo được sự lành mạnh và ổn định, phát triển bền vững cho nhóm doanh nghiệp đàng hoàng. Trên góc nhìn của tôi, đây cũng là một pha ghi điểm đáng giá trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Phóng viên: Vậy, cần có những chiến lược gì để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để lấy niềm tin từ nhà đầu tư, thì doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối như ngân hàng, công ty chứng khoán cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.
Ngoài ra, các công ty kiểm toán độc lập là những đơn vị kiểm tra, xác minh tính trung thực của báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu các công ty kiểm toán không làm đúng, con số không chính xác sẽ dẫn tới sự thẩm định sai từ phía các nhà đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư không cập nhật được tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, cũng như việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.
Phóng viên: Những thông tin về chủ tịch Tân Hoàng Minh, FLC và những người liên quan bị bắt tạm giam vừa qua đã có những tác động nhất định đến thị trường. Theo ông, đây là tin tốt hay tin xấu với thị trường?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tân Hoàng Minh hay FLC là những tập đoàn bất động sản lớn của Việt Nam. Thông tin Chủ tịch và lãnh đạo của những doanh nghiệp này bị bắt ban đầu có thể là tin không vui, tác động tiêu cực lên thị trường. Điều này là dễ hiểu, vì nó tạo ra sự chấn động, gây hoang mang các nhà đầu tư, đánh đồng trái phiếu của doanh nghiệp tốt với doanh nghiệp xấu.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư sẽ dần ổn định trở lại. Về lâu dài, đây vẫn là thông tin tốt, cho thấy rõ quyết tâm của Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng trong việc làm minh bạch thị trường. Với pháp luật, thị trường không có một vùng cấm nào.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!