Cục Thuế Hà Tĩnh:

Rà soát toàn bộ các khoản nợ liên quan đến đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

PV. (t/h)

Cục Thuế Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc giám sát, áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp đôn đốc để thu hồi nợ thuế.

Tính đến thời điểm 31/5/2024, tổng số tiền thuế nợ do Cục Thuế Hà Tĩnh quản lý là 1.191 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/5/2024, tổng số tiền thuế nợ do Cục Thuế Hà Tĩnh quản lý là 1.191 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Tĩnh, tính đến thời điểm 31/5/2024, tổng số tiền thuế nợ do Cục Thuế quản lý là 1.191 tỷ đồng (chiếm 15% tổng thu ngân sách; giảm 7% so với cùng kỳ; tăng 16% so với cuối năm 2023).

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đạt chỉ tiêu thu nợ, xử lý nợ và tiền thuế nợ năm 2024, hạn chế nợ mới phát sinh, Cục Thuế Hà Tĩnh đã ban hành công văn việc tăng cường công tác thu hồi nợ đọng. Theo đó, Cục Thuế yêu cầu các phòng, các chi cục thuế khu vực tiếp tục thực hiện rà soát toàn bộ các khoản nợ liên quan đến đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo tình hình nợ lớn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (bao gồm cả các trường hợp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phân loại vào nhóm nợ đang khiếu nại, khởi kiện), nêu rõ nguyên nhân, lý do để nợ lớn, kéo dài đối với từng trường hợp có nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Cục Thuế Hà Tĩnh yêu cầu trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày hệ thống chạy chương trình đôn đốc hàng tháng, các đơn vị phải báo cáo giải trình nguyên nhân tăng nợ tại thời điểm khóa sổ so với thời điểm ngày 31/12/2023, có số liệu thuyết minh cụ thể theo đối tượng nợ lớn, theo nhóm nguyên nhân (sắc thuế, nhóm đối tượng).

Cùng với đó, Lãnh đạo các phòng, chi cục trưởng các chi cục thuế khu vực phải chỉ đạo các bộ phận quản lý nợ thực hiện rà soát, phân loại nợ thuế, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình nợ thuế theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ; phối hợp với các bộ phận liên quan trong việc chuẩn hóa dữ liệu, đối chiếu nợ thuế, hạch toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế của người nộp thuế vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) nhằm tạo thuận lợi để tự động hóa các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Cục Thuế Hà Tĩnh yêu cầu các phòng, chi cục trưởng các chi cục thuế khu vực, huyện phân công, giám sát, kiểm soát chặt chẽ và trực tiếp chỉ đạo sát sao việc áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế theo đúng quy định, gắn trách nhiệm cụ thể tới từng cán bộ, công chức.

Đặc biệt, cần tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; lưu ý đối với trường hợp người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử mà còn nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị phòng ngừa nợ thuế, xử lý nợ nhỏ thông qua việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để người nộp thuế biết, theo dõi, tra cứu nghĩa vụ thuế (trong đó có số tiền thuế nợ), khuyến khích người nộp thuế nộp thuế bằng phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc ứng dụng Etaxmobile.