Rủi ro mua bảo hiểm không đọc kỹ hợp đồng
Thông tin từ một số trung tâm trọng tài cho biết, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng vài năm gần đây, các vụ tranh chấp liên quan đến bảo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều.
Thời gian giải quyết các hợp đồng này khá phức tạp, kéo dài, tốn thời gian, tiền bạc. Mặc dù các gói bảo hiểm khách mua đều là “bảo hiểm rủi ro”, nhưng khi rủi ro xảy ra thì khách hàng phải “gõ cửa” khắp nơi để đòi quyền lợi cho mình.
Bán tháo cho người thân, quen
Phải thừa nhận rằng, mục tiêu của các gói bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ…) đều hướng đến việc bảo vệ sức khỏe, tài sản, tính mạng khách hàng. Chính vì thế, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ lên tới hơn 90%. Tại Singapore, tỷ lệ này là 80%, còn Malaysia cũng trên 50%. Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ chưa tới 10%.
Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam tham gia ít như vậy, mà một trong những nguyên nhân chính được đưa ra đó là niềm tin của người dân chưa cao. Có tình trạng các nhân viên bảo hiểm cố tình bán lấy được, lôi kéo khách hàng đủ kiểu, trong khi không quan tâm đến quyền lợi, cảnh báo các điều khoản loại trừ bảo hiểm cho khách hàng…
Cách nay ít ngày, một bạn đọc tên T. ở Đắc Lắc bức xúc cho biết, họ được người cô ruột giới thiệu thành công gói bảo hiểm nhân thọ 10 năm, mỗi năm đóng 40 triệu đồng. Tổng số tiền bảo hiểm nếu rủi ro xảy ra khoảng 2 tỷ đồng. Chị T. đã đóng được 2 năm, nhưng bước sang năm thứ 3, thì gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Mùa màng thất thu, cà phê, tiêu… đều rớt giá nên không thể đóng tiếp.
“Mình trao đổi với cô thì được biết, nếu ngưng đóng sẽ mất hết tiền, không nhận lại được. Mình học hết lớp 5, chồng mình học hết lớp 6 cách đây 20 năm. Kiến thức, chữ nghĩa rơi rụng. Thấy cô ngày nào cũng tới chơi, còn hứa tạo điều kiện hỗ trợ bằng cách mời mua bảo hiểm để tránh rủi ro, nhưng cô không nói nếu bỏ đóng vài năm đầu sẽ mất tiền, không có quyền lợi gì. Mình buồn quá”, chị T. nói.
Ghi nhanh tại một số xã ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên, nhiều bà con được người quen chào bán và đã ký hợp đồng mua các gói bảo hiểm trị giá lớn. Có gia đình đóng tới hàng trăm triệu đồng tiền bảo hiểm mỗi năm. Kỳ lạ ở chỗ, có cả các gia đình kinh tế khó khăn nhưng vẫn cố mua bảo hiểm vì họ nghe nói sẽ được bảo hiểm rủi ro mệnh giá lớn.
“Nói dễ nghe thì đây là hình thức bảo hiểm nhân văn. Nhưng nói khó nghe chút thì đây là kiểu chào mời, bán hàng đa cấp không hơn không kém. Bà con nghèo, trình độ dân trí thấp, đến đọc chữ nghĩa còn chưa rành thì nói gì tới việc nghiên cứu các quyền lợi, điều khoản bảo hiểm trong hợp đồng dày cộm. Chính mức hoa hồng lên tới 40% - 50% số tiền bảo hiểm của khách đóng năm đầu tiên đã khiến nhiều nhân viên bảo hiểm mờ mắt. Ví dụ, khách đóng 40 triệu đồng/năm, thì nhân viên cũng được khoảng 20 triệu rồi”, một cựu chiến binh ngụ tại TP Buôn Mê Thuột bức xúc.
Cân nhắc kỹ trước khi ký
Anh L.B., khách hàng mua gói bảo hiểm nhân thọ của một công ty ở quận 7 (trị giá hơn 1 tỷ đồng), đang “khóc dở mếu dở” khi công ty này không chấp thuận chi trả bảo hiểm. Lý do, trong quá trình đi khám bệnh, anh B. không thông báo cho bên bảo hiểm biết. Kết luận của bác sĩ nghi anh B. bị ung thư. Gói bảo hiểm anh B. mua cách nay 2 năm đã bao gồm bệnh hiểm nghèo.
Hay như mới đây, vụ bảo hiểm bỏ rơi tàu 67 được báo chí đồng loạt phản ánh. Nội dung liên quan đến hàng chục tàu vỏ thép ở Bình Định bị công ty bảo hiểm “bỏ rơi”, không dám ra khơi. Mà theo như PJICO thì công ty này đã tham gia bảo hiểm tàu cá 4 năm nay, nhưng năm nào cũng lỗ. Cá biệt, trong tháng 7-2019, có 4 - 5 tàu bị chìm không rõ nguyên nhân nên PJICO đang đề xuất Bộ Tài chính cho ngừng tham gia chương trình tàu cá 67.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, lưu ý trước khi đặt bút ký vào bất kỳ hợp đồng bảo hiểm nào, khách hàng nên cân nhắc thật kỹ, bao gồm vấn đề khả năng tài chính của bản thân, cũng như đọc kỹ những nội dung trong hợp đồng. Nếu hợp đồng quá khó hiểu, khách hàng có thể yêu cầu nhân viên bán bảo hiểm giải thích, hoặc đề nghị mang hợp đồng này tới luật sư để nhờ tham vấn.
Tránh tình trạng tin tưởng tuyệt đối vào người bán (người thân, người quen) rồi ký vội vào hợp đồng. Khi rủi ro xảy ra, khách hàng dễ trở thành người gánh chịu thiệt hại do thiếu hiểu biết. Như vậy, khách hàng cần cẩn trọng khi chọn mua bất kỳ gói bảo hiểm nào, nhất là các gói bảo hiểm kéo dài hàng chục năm. Vì bảo hiểm không “đóng khung” bảo vệ khách hàng suốt hành trình dài, mà liên tục có những điều chỉnh, phát sinh, loại trừ... Vấn đề chính là khách nên chủ động tham khảo luật sư uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm để nhận được sự tư vấn hữu ích.
Các luật sư khuyến cáo, phần lớn các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường kéo dài lên tới 10 - 15 năm, do vậy số tiền đóng không hề nhỏ. Chưa kể, khách mua bảo hiểm có tâm lý tiếc tiền, nên đành phải theo, bởi bỏ nửa chừng coi như mất trắng. Trong khi hiếm khách hàng nào chịu khó đọc đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm, các điều khoản loại trừ, những trường hợp bị từ chối chi trả… Nếu khách không rõ nội dung nào, thì có quyền yêu cầu nhân viên bảo hiểm giải thích rõ tất cả các điều khoản này, nhằm bảo vệ chính đáng quyền lợi của mình. Vì trong mỗi gói bảo hiểm thường có vài chục điều khoản loại trừ; thêm nữa, các câu chữ trong hợp đồng bảo hiểm thường khó hiểu, nên khách hàng dễ nhắm mắt ký liều hợp đồng.