Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng hải


(Tài chính) Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đang được đẩy mạnh. Trong đó, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp của ngành giao thông vận tải đang được đẩy mạnh hơn trong năm 2015. Theo đó, tập trung các giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn triệt để tại các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần tham gia, nhất là các doanh nghiệp hàng hải.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng nhà nước giai đoạn này là rất quan trọng. Nguồn: vlr.vn
Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng nhà nước giai đoạn này là rất quan trọng. Nguồn: vlr.vn
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch, sắp xếp thu gọn đầu mối, thoái vốn triệt để theo các tiêu chí phân loại đề ra; tiếp tục rà soát kiến nghị thoái vốn dưới 51% hoặc nộp đơn phá sản theo quy định của pháp luật các doanh nghiệp mất vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ cao, sản xuất kinh doanh không có dấu hiệu phục hồi để giảm trách nhiệm của chủ sở hữu. Muốn vậy, yêu cầu các ban chỉ đạo cổ phần hóa phải áp dụng các bước cổ phần hóa theo tình hình thực tiễn, không thụ động máy móc.

Nội dung này đang được đẩy mạnh thực hiện đối với các doanh nghiệp hàng hải của ngành giao thông vận tải. Trong đó, đối với các cảng biển, việc cổ phần hóa đang có chiều hướng tích cực khi vốn chủ sở hữu Nhà nước được giảm sâu hơn. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và muốn mua lại cổ phần tại các cảng biển này.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất chính là đẩy mạnh cổ phần hóa cảng biển. Việc thu hút nhà đầu tư trong nước là phải cổ phần hóa các cảng mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối, để xã hội hóa, để các nhà đầu tư thấy các cảng này sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và họ có thể tham gia đầu tư. Vì vậy, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng nhà nước giai đoạn này là rất quan trọng.

Cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng, lý do khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu của các cảng biển là do tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần chi phối quá cao (75%). Tuy nhiên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi tiến hành cổ phần hóa, hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang giao Vinalines xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa và thực hiện thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển theo hướng cho phép cổ phần hóa tất cả cảng biển trên cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tái cơ cấu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang tập trung vào các giải pháp mang tính căn cơ.

Ông Nguyễn Đình Chung, thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên Vinalines xây dựng một chương trình hành động, đưa ra 7 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông  - Vận tải, trong đó có Vinalines.

Theo đó, các vấn đề như kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị doanh nghiệp; nâng cao vai trò của tổ chức đảng trong DNNN thuộc Bộ Giao thông - Vận tải; tuyển chọn, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực người đại diện vốn và người giữ vị trí then chốt về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng văn hóa kinh doanh, ứng xử trong doanh nghiệp, duy trì đoàn kết, cùng đưa doanh nghiệp phát triển; tăng cường công tác kiểm soát, kiểm soát nội bộ đi vào thực chất; từng bước ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để đổi mới sản xuất kinh doanh và quản trị; xây dựng được giá trị cốt lõi của từng doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh vững mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của các loại hình vận tải Việt Nam, để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp hàng hải.