Sẽ chuyển một số phí, lệ phí sang cơ chế giá dịch vụ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đã chia sẻ với phóng viên xung quanh việc dư luận cho rằng, hiện đang có tình trạng tồn tại quá nhiều loại phí, lệ phí gây gánh nặng đối với doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Ngô Hữu Lợi, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí cho thấy, cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế thị trường thì có một số loại phí trong Danh mục phí, lệ phí không còn phù hợp và đang có xu hướng dịch chuyển dần sang cơ chế giá. 

Thời gian qua, đã có một số Luật chuyên ngành quy định có một số loại phí chuyển sang thu theo cơ chế giá dịch vụ như: phí đấu thầu chuyển sang thu theo cơ chế giá đấu thầu, viện phí chuyển sang giá dịch vụ khám, chữa bệnh…

Ngay cả về mô hình hoạt động và cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính hoặc doanh nghiệp; đồng thời, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực này theo cơ chế xã hội hóa (đầu tư bãi trông giữ xe, đấu thầu kinh doanh vệ sinh môi trường, công ty chợ, đầu tư cho thuê bến bãi…).

Vì vậy, một số khoản thu này dưới hình thức phí là không còn phù hợp với chủ trương xã hội hóa và tự chủ tài chính nên cần phải chuyển mạnh sang cơ chế giá dịch vụ.

Phóng viên: Thưa ông, hiện dư luận đang cho rằng, tình trạng tồn tại quá nhiều khoản phí, lệ phí hiện nay đã gây áp lực cho doanh nghiệp và người dân, nhất là người nông dân, họ phải nộp nhiều khoản phí, lệ phí nhưng không được hưởng dịch vụ tương ứng, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

nhl
Ông Ngô Hữu Lợi,
Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế
Ông Ngô Hữu Lợi: Thực tế Nghị định của Chính phủ chỉ quy định 301 khoản phí và lệ phí (171 khoản phí và 130 khoản lệ phí), trong đó đã quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng khoản phí, lệ phí cụ thể. Tính đến thời điểm hiện nay, có 280 khoản phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn thực hiện, thấp hơn nhiều so với số lượng dư luận đã nêu.

Qua phản ánh có tình trạng một số địa phương, nhất là khu vực nông thôn đã huy động một số khoản đóng góp mang tính tự nguyện của người dân như: thu để xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài quy định (đường giao thông, trường học, trung tâm y tế…) hoặc các khoản thu mang tính chất xã hội, từ thiện, nhưng cách thức tổ chức huy động và sử dụng cũng có tên gọi là “phí, lệ phí”.

Tôi khẳng định, các khoản thu này không có tên trong Danh mục phí, lệ phí.

Thậm chí, có trường hợp đã được miễn thu như: phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai, nhưng khi thu các khoản thu khác có tính chất tương tự để đóng góp: quỹ quốc phòng, an ninh, quỹ phòng chống thiên tai thì ở một số địa phương vẫn gọi tên là phí, lệ phí.

Như vậy, khi phát sinh một khoản thu nộp thì nhiều người thường cho rằng đó là phí, lệ phí, mặc dù các khoản đóng góp đó chỉ là quyên góp tự nguyện của người dân, doanh nghiệp như: quỹ khuyến học, quỹ ủng hộ người nghèo…

Ngoài ra, có một số khoản thu tự tổ chức, cá nhân thu, nộp cũng gọi là phí, đơn cử như: phí dịch vụ chung cư, phí liên quan đến vận chuyển container, phí bến bãi ra vào khu công nghiệp…

Đây thực chất là các khoản thu theo cơ chế giá dịch vụ, hoàn toàn không phải là khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Đến nay còn một số khoản phí, lệ phí có quy định trong Danh mục, nhưng chưa có quy định để thu, ông lý giải sao về điều này?

Khi xây dựng Danh mục phí, lệ phí có tính đến cả loại phí, lệ phí có thể sẽ được ban hành trong tương lai, nhưng không nhất thiết phải ban hành ngay tất cả các loại phí, lệ phí có tên trong Danh mục.

Như vậy, để ban hành thu một loại phí, ngoài việc phải có tên trong Danh mục còn phải xuất phát từ nhu cầu thực tế trên cơ sở đề xuất của các bộ. Nếu không có tên trong danh mục thì không được phép quy định thu.

Thực tế cho thấy, có loại phí, lệ phí do dự báo là có thể sẽ phát sinh nên đã đưa vào Danh mục, nhưng đến nay vẫn chưa phát sinh hoặc việc thu khoản phí, lệ phí đó chưa phù hợp nên chưa ban hành văn bản quy định thu, ví dụ: phí phá sản, phí luồng, lạch đường thủy nội địa…

Thưa ông, tại sao không giao thêm thẩm quyền để địa phương tự quyết định mức thu mà cứ phải quy định khung mức thu, quản lý và sử dụng phí?

Thực tế, việc quy định mức khung thu là để tránh tình trạng mức thu giữa các địa phương có sự khác biệt quá lớn, nhất là các địa phương có vị trí địa lý gần nhau hoặc có hoàn cảnh kinh tế- xã hội tương đồng.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính cũng nhận được phản ánh của một số địa phương đề nghị để địa phương tự quyết định một số loại phí, lệ phí.

Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh; theo đó, đã bỏ quy định khung đối với 6 loại phí, như: phí cợ, phí qua đò, qua phà…

Đối với các loại phí có quy định khung mức tối đa, Bộ Tài chính cũng đã có quy định theo hướng tạo chủ động cho địa phương trong việc điều chỉnh mức phí đó là, khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% thì HĐND cấp tỉnh có thể quyết định mức tăng phí, không vượt quá mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Liệu có lợi ích ngành, lợi ích cục bộ địa phương trong việc thu phí, lệ phí, thưa ông?

Nghị định số 24 của Chính phủ đã quy định khá chi tiết danh mục phí, lệ phí; đồng thời, giao Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định mức thu từng khoản phí, lệ phí trong danh mục.

Căn cứ vào danh mục, phí, lệ phí; căn cứ dịch vụ cung cấp (có quy định thu phí, lệ phí) các Bộ, ngành xây dựng mức thu và đề xuất với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định mức thu đối với từng loại phí, lệ phí.

Đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND phê duyệt, sau đó mới ban hành Quyết định thu.

Với các quy định như vậy, các bộ, ngành và địa phương không thể tự đặt ra các khoản phí mới ngoài các khoản đã có trong danh mục. Thực tế, các văn bản quy định thu phí đều thực hiện đúng theo quy định tại danh mục phí, lệ phí và nguyên tắc xác định mức thu.

Như vậy, có thể thấy việc giao thẩm quyền ban hành quy định về phí và lệ phí là chặt chẽ, rõ ràng từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh, nên không thể có việc bộ, ngành này hay địa phương kia có thể tự đặt ra các khoản phí, lệ phí để nhằm thu lợi ích cục bộ.

Khá nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng, cơ chế thu phí đường bộ hiện nay có thể gọi là phí chồng phí, bởi thực tế chúng ta đã thực hiện nộp phí theo đầu phương tiện (Quỹ bảo trì đường bộ), nhưng vẫn phải nộp phí qua trạm?

Trước khi có Quỹ Bảo trì đường bộ, phí sử dụng đường bộ được thu qua trạm thu phí. Như vậy, tiền phí thu được tại các trạm thu do cơ quan quản lý nhà nước thu được sử dụng cho mục đích bảo trì đường bộ; Tiền thu tại các trạm BOT để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Ngày 13/3/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 18 về Quỹ bảo trì đường bộ; trong đó quy định thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu khoản phí này từ ngày 1/1/2013.

Do đó, khi thu phí theo đầu phương tiện sẽ xóa bỏ Trạm ngân sách nhà nước (NSNN). Như vậy, phí theo đầu phương tiện không phải là khoản thu mới mà thay thế thu phí qua Trạm NSNN.

Trong khi, theo quy định tại Điều 49 của Luật Giao thông đường bộ: “Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương được đảm bảo từ quỹ bảo trì đường bộ.

Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ NSNN do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm”.

Như vậy, phí đường bộ theo đầu phương tiện để sử dụng cho bảo trì đường bộ (do Nhà nước quản lý); phí thu qua trạm là để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Do đó, không có sự phí chồng phí.

Vậy, tới đây định hướng sửa đổi danh mục phí, lệ phí sẽ như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian tới, khi xây dựng Luật phí, lệ phí sẽ rà soát Danh mục phí, lệ phí theo hướng:

Loại phí, lệ phí nào đã được quy định tại các Luật, Pháp lệnh khác

 Từ khi Pháp lệnh phí, lệ phí có hiệu lực thi hành, trong 5 năm từ 2002- 2007, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ trên 340 khoản phí, lệ phí đã ban hành không có trong Danh mục. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị  số 24 về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; đồng thời, đã quyết định miễn thu đối với một số khoản phí, lệ phí như: phí an ninh trật tự; phí phòng, chống thiên tai… sẽ được bổ sung vào Danh mục để đảm bảo sự thống nhất về chính sách;

Đưa ra khỏi Danh mục các loại phí, lệ phí sau:

Loại có tên trong Danh mục nhưng thực tế không phát sinh nhu cầu;

Loại đã chuyển sang thu theo cơ chế giá dịch vụ theo quy định các Luật chuyên ngành;

Chuyển sang cơ chế giá đối với một số loại phí gắn với các loại hoạt động dịch vụ có thể thu hút đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (như: phí trông giữ xe, phí chợ, phí qua đò…)

Xin cảm ơn ông!