Sẽ có nhiều giải pháp "kích cầu" thị trường trái phiếu Chính phủ

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Năm 2013, nhiệm vụ huy động vốn trong nước mà Kho bạc Nhà nước (KBNN) được Bộ Tài chính giao là khá nặng nề (180.500 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2012); đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp, không ổn định. Bà Trần Minh Hằng, Phó Tổng giám đốc KBNN đã có cuộc trao đổi về các giải pháp thực hiện mục tiêu này.

Tính đến ngày 25/11/2013, KBNN huy động được 173.660 tỷ đồng TPCP. Nguồn: internet
Tính đến ngày 25/11/2013, KBNN huy động được 173.660 tỷ đồng TPCP. Nguồn: internet

Theo bà Trần Minh Hằng, đối với KBNN - đơn vị được Bộ Tài chính ủy quyền phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), chúng tôi đã xác định trong bối cảnh kinh tế năm 2013 còn nhiều khó khăn, thách thức, việc thị trường TPCP thực hiện tốt chức năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển càng có ý nghĩa quan trọng. Do vậy, ngay từ cuối năm 2012, KBNN đã tổ chức khảo sát, thăm dò nhu cầu của thành viên thị trường đối với công tác phát hành TPCP năm 2013, từ đó xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành công tác huy động vốn năm 2013 đảm bảo hiệu quả.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, KBNN đã xây dựng lịch biểu phát hành, kế hoạch phát hành và thông tin rộng rãi tới các thành viên thị trường, nhà đầu tư; Triển khai đều đặn các phiên phát hành trái phiếu qua các kênh đấu thầu để tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi của thị trường trong những tháng đầu năm. Tổ chức phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu, duy trì việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm vào các phiên cuối tháng theo đề nghị của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư.

Duy trì việc phát hành TPCP với hình thức lô lớn, tăng quy mô một mã trái phiếu lên 5.000 - 6.500 tỷ đồng nhằm tạo ra các mã chuẩn. Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội  và Trung tâm lưu ký chứng khoán  Việt Nam để đưa trái phiếu vào niêm yết giao dịch với thời gian ngắn nhất để nâng cao tính thanh khoản cho trái phiếu. Phối hợp với Sở GDCK Hà Nội để điện tử hóa công tác đấu thầu, giảm thiểu thời gian thực hiện và các rủi ro tác nghiệp cho thành viên, giúp cơ quan quản lý và nhà phát hành ra quyết định về lãi suất phát hành nhanh chóng.

Bên cạnh công tác phát hành, KBNN tiếp tục tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP niêm yết thông qua việc thực hiện nghiệp vụ hoán đổi trái phiếu, tạo điều kiện để  danh mục nợ trái phiếu hiệu quả hơn và hỗ trợ  thanh khoản cho TPCP, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. 

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về khung pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu nhằm giảm rủi ro tái cấp vốn đối với NSNN?

Tôi cho rằng, về cơ bản khung pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu đã khá hoàn thiện và theo thông lệ thị trường quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường. Hệ thống các văn bản pháp lý từ Luật, Nghị định, Thông tư đã quy định và hướng dẫn đầy đủ quy trình, thủ tục phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch các loại TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương... Từ năm 2010, khung pháp lý cho hoạt động phát hành TPCP được nghiên cứu để tiếp tục đổi mới.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, thay thế Nghị định 141/2003/NĐ-CP. Văn bản này đã tạo khung pháp lý đầy đủ để đổi mới phương pháp tổ chức phát hành, phát triển các công cụ, sản phẩm hỗ trợ nhằm tái cấu trúc và phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô, hướng tới các thông lệ tốt của quốc tế.

Về phía Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BTC hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước đã có nhiều điểm mới so với các quy định trước đây về xây dựng, công bố kế hoạch phát hành, lịch biểu phát hành; sửa đổi, bổ sung các phương thức phát hành đấu thầu và bảo lãnh; quy định thống nhất về thành viên thị trường; quy định rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu…

Đặc biệt việc đưa tín phiếu vào niêm yết và giao dịch tập trung tại Sở GDCK Hà Nội đã hình thành nên một bức tranh tổng thể về tình hình giao dịch thứ cấp của trái phiếu Chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để KBNN tăng cường khả năng huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư thì thị trường TPCP vẫn còn một số tồn tại như: thành viên thị trường chưa đa dạng, hàng hoá còn đơn điệu, cơ chế thanh toán chưa phù hợp,... Vậy để khắc phục những nhược điểm này, trong năm 2014, KBNN có những định hướng nào để "kích cầu" thị trường TPCP?

Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, đảm bảo an toàn hệ thống và từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, ngày 1/2/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 261/QĐ-BTC phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020, trong đó bao gồm các giải pháp về khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, phát triển thị trường sơ cấp, phát triển thị trường thứ cấp, phát triển nhà đầu tư, phát triển các định chế trung gian và hạ tầng thị trường…

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước; cơ chế hình thành và phát triển Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; quản lý ngân quỹ, gắn quản lý ngân quỹ với quản lý nợ và phát triển thị trường TPCP. Đồng thời, rà soát để hoàn thiện các chính sách về: giao dịch kỳ hạn, thuế và phí giao dịch; nghiên cứu cơ chế về phát hành TPCP theo lãi suất thả nổi, theo chỉ số và các sản phẩm trái phiếu phái sinh khi điều kiện cho phép.

Để nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro trong quá trình thanh toán trái phiếu, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP từ Ngân hàng thương mại sang NHNN. Ngoài ra, Sở giao dịch NHNN và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã thực hiện việc ký kết Thoả thuận về việc phối hợp xử lý giao dịch giấy tờ có giá và công bố giải pháp kỹ thuật kết nối hệ thống với nhau để xử lý giao dịch giấy tờ có giá. Sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến gần hơn đến mục tiêu triển khai thành công thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN vào đầu năm 2014.

Về phía KBNN, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng của công tác xây dựng và công bố kế hoạch phát hành, công bố sớm nhu cầu vốn huy động hàng quý và chi tiết theo các kỳ hạn để các nhà đầu tư có kế hoạch bố trí nguồn vốn mua trái phiếu. Theo dõi sát sao diễn biến tình hình thị trường để điều hành lãi suất trái phiếu phát hành phù hợp, tiếp tục hiện đại hóa công tác tổ chức phát hành đảm bảo 2 mục tiêu đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân sách, cho đầu tư phát triển và phát triển thị trường TPCP theo hướng thống nhất, đồng bộ.

Song song với các giải pháp tổ chức điều hành, KBNN sẽ tích cực cùng với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng hệ thống các nhà kinh doanh trái phiếu, hiện đại hoá hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của thị trường, phát triển thêm các sản phẩm mới…để tăng tính hấp dẫn của TPCP Việt Nam, phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn dài hạn chủ đạo của nền kinh tế.

Xin cảm ơn bà!

Tính đến ngày 25/11/2013, KBNN huy động được 173.660 tỷ đồng TPCP, đạt 96,2% so với kế hoạch điều chỉnh. Riêng tháng 11/2013, ước huy động  đạt 11.452 tỷ đồng. Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch TPCP bình quân phiên tăng  đáng kể, đạt hơn 1.900 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2012). Trong đó, có sự giao dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị giao dịch mua bán của khối ngoại (trong 6 tháng đầu năm 2013) đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 80% giá trị giao dịch của khối này trong cả năm 2012. Cũng trong năm 2013, sau nhiều năm không phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, KBNN đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 15 năm.

Kết quả này đã đánh dấu một bước chuyển mới, với tỷ lệ huy động vốn đạt cao nhất kể từ khi KBNN triển khai nghiệp vụ phát hành TPCP. Đặc biệt, trong bối cảnh thu NSNN gặp khó khăn thì nguồn vốn huy động từ trái phiếu đã hỗ trợ công tác điều hành ngân sách của Chính phủ, của Bộ Tài chính trong việc đảm bảo nguồn chi trả, ứng vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.