Sẽ giảm thanh toán chi trả bảo hiểm y tế trái tuyến, vượt tuyến
(Tài chính) Đó là một trong những điểm mới mà Ban soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đưa ra xin ý kiến các cơ quan chức năng, để trình Quốc hội cho ý kiến trong tháng 5/2014.
Thu hẹp quyền lợi của bệnh nhân vượt tuyến
“Giảm 10% chi trả BHYT trái tuyến”, cho biết điều này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng BHYT, Bộ Y tế nhấn mạnh, người bệnh đi sai tuyến là không đúng quy định, về nguyên tắc không được thanh toán nhưng vì hỗ trợ người dân tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ nên dù vượt tuyến họ vẫn được thanh toán.Theo nội dung dự thảo, việc sửa đổi bổ sung Luật BHYT tập trung sửa đổi, bổ sung về nhóm đối tượng, hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình; Tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Quản lý và sử dụng quỹ BHYT… Đặc biệt, việc sửa đổi làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan; Củng cố và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về BHYT; Bảo đảm hài hòa quyền lợi và trách nhiệm giữa 3 bên: người bệnh, cơ sở cung ứng dịch vụ và khả năng chi trả của quỹ BHYT, góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế trực tiếp từ tiền túi của cá nhân, hộ gia đình.
Đặc biệt, nhiều điểm mới được đưa vào Dự thảo Luật như: Quy định rõ bắt buộc tham gia BHYT; Sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng và tham gia BHYT theo Hộ gia đình; Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT…
Theo Bà Hương, thực tế, sau 3 năm triển khai Luật BHYT cho thấy, mặc dù Luật đã quy định cụ thể các đối tượng tham gia BHYT nhưng việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao. Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT. Bắt buộc tham gia BHYT toàn dân đồng nghĩa với việc người dân đều bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế khi ốm đau và không phải lo lắng về mặt tài chính.
Bên cạnh đó, việc quy định tham gia BHYT bắt buộc là đề cao tính pháp lý nhằm gắn trách nhiệm của mọi người dân tham gia BHYT. Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất sắp xếp lại các đối tượng tham gia BHYT từ 5 nhóm xuống còn 3 nhóm: Nhóm người lao động khu vực chính thức và người phụ thuộc; Nhóm người lao động không chính thức và người phụ thuộc; Nhóm đối tượng khác.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì mức giảm thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú xuống còn 20% vẫn chưa giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Bởi mức thanh toán này vẫn chưa tạo ra áp lực tài chính với người bệnh. Trong khi rất nhiều các cơ sở tuyến dưới chữa được lại vắng bệnh nhân, tạo ra sự lãng phí. Do đó, nội dung dự thảo sửa đổi Luật BHYT cũng đưa ra một phương án khác là không thanh toán với trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến. Đây được xem là một giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa quá tải tuyến trên song cũng đặt ra yêu cầu về nâng cấp và cải thiện hạ tầng và dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế tuyến dưới, để tránh thiệt thòi cho người bệnh cũng như tạo niềm tin cho người bệnh.
Mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT
Theo dự thảo, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì lợi ích, lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Thế nhưng soi vào thực tế thì không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều đối tượng sẽ khó có thể tham gia BHYT. Theo Luật BHYT hiện hành, người bệnh nghèo vẫn đồng chi trả 5% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Vậy nhưng, mức sống bình quân của người nghèo hiện nay quá thấp, không đủ khả năng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh, kể cả mức thấp nhất 5% viện phí. Chưa kể, người nghèo lại chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, những nơi khó tiếp cận dịch vụ y tế. Mỗi lần ốm đau sẽ rất tốn kém, cho nên, nhiều ý kiến cho rằng đối với người nghèo cần được hỗ trợ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thay vì 95% như hiện nay.
Được biết, trên tinh thần hỗ trợ người nghèo có thể tham gia được BHYT, dự thảo lần này cũng đã đưa ra chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được quỹ BHYT thanh toán 100% thay vì 95% như hiện nay; đối tượng thuộc hộ cận nghèo hưởng BHYT cũng tăng từ 80% lên 95%. Ngoài ra, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản, thân nhân của người có công cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thay vì mức hưởng 80% như hiện nay…
Đặc biệt, dự thảo còn đưa ra một số đề xuất như: người bị tai nạn giao thông sẽ được thanh toán viện phí mà không cần phải xem xét có vi phạm trong quá trình tham gia giao thông hay không, trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thanh toán 100% viện phí khi phẫu thuật chỉnh mắt lác và các tật khúc xạ....
Thống kê cho thấy, hiện cả nước mới khoảng 70% dân số (khoảng 63 triệu người) tham gia BHYT, trong đó chủ yếu đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, riêng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được ngân sách hỗ trợ... trong khi số người mua BHYT tự nguyện còn rất hạn chế và thông thường đến khi có bệnh hoặc bị bệnh mãn tính mới chịu mua gây thâm lạm quỹ BHYT. Do đó, để tiến tới BHYT toàn dân, cần có chính sách khuyến khích cụ thể, bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT, tránh tình trạng phân biệt đối xử như tại một số bệnh viện công hiện nay.