Sẽ mở rộng phạm vị tái cơ cấu doanh nghiệp cho DATC
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước mà cần mở rộng các đối tượng doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đó là yêu cầu đặt ra đối với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) khi xây dựng, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ cơ chế hoạt động cho Công ty này.
Việc tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế đủ rộng cho mô hình công ty là công cụ của Chính phủ như DATC là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đồng thời cũng là vấn đề đặt ra trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.
Trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, các chuyên gia cho rằng việc mở rộng phạm vi, quyền hạn cho Công ty này là cần thiết, trong đó có vấn đề mở rộng tái cơ cấu không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp nhà nước.
Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC đang được Bộ Tài chính hoàn thiện đã bổ sung và làm rõ quy định này. Theo đó, đối tượng DATC tham gia tái cơ cấu không thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa và Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Công ty quản lý, sử dụng chủ yếu nguồn lực tài chính của công ty để thực hiện mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản, dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tái cơ cấu số 126/2017/NĐ-CP thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ.
Để hỗ trợ ngành nghề hoạt động chính, DATC được phép kinh doanh quản lý, đầu tư, khai thác và xử lý đối với dự án bất động sản là tài sản bảo đảm khoản nợ, tài sản nhận gán nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận theo chỉ định; tư vấn xử lý nợ, tài sản, mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu DN và thực hiện các hoạt động thẩm định giá; dịch vụ quản lý nợ và thu nợ trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Theo đó, đối với doanh nghiệp cổ phần hóa sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả (âm vốn chủ sở hữu) thì cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với DATC và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng phương án mua bán nợ đảm bảo tính khả thi và hiệu quả để tái cơ cấu DN hoặc chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
Quy định theo hướng này tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thì không còn giới hạn việc DATC chỉ tham gia tái cơ cấu tại các DN thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Như vậy, dự thảo nghị định của DATC là phù hợp với quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP sửa đổi.
Theo Bộ Tài chính, nếu DATC chỉ thực hiện tái cơ cấu DNNN thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa thì số lượng doanh nghiệp được tái cơ cấu sẽ rất hạn chế và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của DATC, trong khi đây là hoạt động kinh doanh chính của DATC. Thực tế, từ khi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực (1/1/2018) thì không phát sinh đối tượng DATC tham gia tái cơ cấu theo nghị định này.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, để tạo điều kiện cho DATC phát huy năng lực xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DATC, đối tượng DATC tham gia tái cơ cấu quy định tại dự thảo nghị định là phù hợp.