DATC xử lý tốt nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp
Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một trong những hoạt động chủ lực của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, định chế tài chính đánh giá cao. Kết quả đạt được năm 2019 là minh chứng và là cơ sở để DATC vững tin thực hiện các nhiệm vụ năm 2020.
Xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019
Trong năm 2019, DATC đã trực tiếp mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp (DN). Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng, bằng 124% so với năm 2018...
Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại 15 DN với giá trị tiếp nhận là 21,378 tỷ đồng, trong đó: tài sản là 9,897 tỷ đồng, nợ là 11,481 tỷ đồng, DN tự xử lý trước bàn giao là 2,803 tỷ đồng.
Kết quả giá trị thực tế thu hồi từ xử lý tài sản và thu hồi nợ đã tiếp nhận trong năm 2019 là 20,2 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tiếp nhận đạt 6,057 tỷ đồng (trong đó: thu từ xử lý tài sản là 4,155 tỷ đồng, thu hồi nợ là 0,908 tỷ đồng và thu nợ do DN xử lý trước bàn giao là 0,994 tỷ đồng), đạt 121% kế hoạch năm 2019.
Trong quá trình hoạt động, Công ty cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do cơ chế hoạt động còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với những thay đổi của thị trường. Cùng với đó, những quy định chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ và hiệu quả xử lý nợ của DATC.
Năm 2019, với tổng doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 213 tỷ đồng. So với giai đoạn 5 năm trước, (từ 2010 đến 2014), lũy kế giai đoạn 2015-2019, tổng doanh thu của DATC là 10.488 tỷ đồng (tăng 229% so với giai đoạn 2010-2014), tiến hành mua nợ và tài sản với tổng doanh số là 9.471 tỷ đồng (tăng hơn 442% so với giai đoạn 2010-2014), đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) của DATC trong cùng giai đoạn là hơn 400 tỷ đồng.
Cùng với thị trường khó khăn, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán đấu giá tài sản bảo đảm nợ để thu hồi nợ/bán đấu giá khoản nợ nhiều lần không thành công mới đàm phán bán nợ cho DATC; giá chào bán nợ cao (thường là 100% giá trị khoản nợ gốc và lãi) và phải giảm giá rất nhiều lần mới tiệm cận giá chào mua của DATC nên ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch mua và xử lý tài chính tái cơ cấu chuyển nợ thành vốn góp.
Tuy nhiên, Công ty vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, với tổng doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt 213 tỷ đồng. So với giai đoạn 5 năm trước, (từ 2010 đến 2014), lũy kế giai đoạn 2015-2019, tổng doanh thu của DATC là 10.488 tỷ đồng (tăng 229% so với giai đoạn 2010-2014), tiến hành mua nợ và tài sản với tổng doanh số là 9.471 tỷ đồng (tăng hơn 442% so với giai đoạn 2010-2014), đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) của DATC trong cùng giai đoạn là hơn 400 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới tái cơ cấu nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, qua đó góp phần nâng cao năng lực tài chính, phục hồi hoạt động của các đơn vị, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.
Chủ động mua bán nợ, thoái vốn
Dự báo năm 2020, Công ty tiếp tục còn gặp khó khăn, trên cơ sở kết quả đạt được, DATC đặt ra các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh chính cụ thể cho năm 2020 như sau: Phấn đấu tổng doanh thu từ 1.900-2.100 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế từ 200 - 215 tỷ đồng; Nộp NSNN từ 150 - 180 tỷ đồng… Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao; Đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DN nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Đồng thời, tái cơ cấu nợ của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt nam (SBIC); Tái cơ cấu nợ tại các công ty: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty Cổ phần Thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam.
Cùng với đó, DATC tiếp tục nghiên cứu đề xuất tham gia tái cơ cấu nợ một số tổng công ty khác theo cơ chế đặc thù, góp phần nâng cao năng lực tài chính, phục hồi hoạt động đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo Đề án được Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền về thí điểm cổ phần hóa 1 đơn vị trực thuộc (Chi nhánh, Trung tâm) phù hợp quy định hiện hành về cổ phần hóa DN nhà nước để nâng cao tính chủ động trong công tác mua bán, xử lý nợ.
Năm 2020, DATC tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để kịp thời tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại các DN chuyển đổi sở hữu; Thường xuyên rà soát, phân loại nợ, tài sản là chi phí không còn hiện vật, tài sản mất mát thiếu hụt trong tiếp nhận để tiếp tục xử lý; Hoàn chỉnh hồ sơ tố tụng tại tòa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án để tận thu nợ sau khi tiếp nhận từ các DN.
Cùng với đó, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu, thoái vốn... tương xứng với quy mô và năng lực, khẳng định vị trí, vai trò của mình về mua bán nợ, tái cơ cấu DN trên thị trường mua bán nợ Việt Nam.