Sẽ tiến hành cải cách toàn diện chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thời gian tới, nhiều chính sách hỗ trợ sẽ được ban hành liên quan đến doanh nghiệp (DN), người lao động; cùng với đó sẽ tiến hành cải cách toàn diện chính sách tiền lương trong khu vực DN. Nhà nước chỉ can thiệp vào lương tối thiểu để làm cơ sở cho DN và người lao động thỏa thuận…
Ngày 11/10, phát biểu tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, DN, doanh nhân Việt Nam không chỉ lo phát triển kinh tế, mà đồng thời góp phần rất quan trọng ổn định xã hội, lo công ăn việc làm, đời sống cho người lao động.
Trong giai đoạn COVID-19, riêng Nhà nước cùng với DN, các cơ quan đã dành tới hơn 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ 68 triệu lượt lao động và người có hoàn cảnh khó khăn, 1,4 triệu người sử dụng lao động để vượt qua khó khăn, thách thức... Có thể thấy, quan hệ giữa quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và đại diện cho người lao động rất hài hòa để xây dựng DN ổn định, phát triển.
Trên cơ sở đó, thời gian vừa qua, Chính phủ cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách như Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát triển; sửa Nghị định số 152/NĐ-CP để thu hút lực lượng lao động chuyên gia, người có trình độ cao nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để trở thành một quốc gia có kinh tế phát triển, thường có nguyên tắc là ít nhất phải có 24 DN/1.000 dân trên lứa tuổi 18. Đây là thách thức lớn mà chúng ta cần tiếp tục quan tâm. Do đó, cần tạo môi trường phát triển nhanh và mạnh hơn cho DN và doanh nhân cả nước cả về số lượng và chất lượng.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, để tạo điều kiện thông thoáng nhất cho DN, người lao động cùng phát triển. Nhiều chính sách hỗ trợ sẽ được ban hành liên quan đến DN, người lao động.
Cùng với đó, cần tập trung tận dụng và phát huy giai đoạn dân số vàng, trong đó xây dựng khung chính sách quốc gia để hạn chế già hóa dân số và mở rộng quy mô phát triển dân số, đặc biệt là tỷ lệ suất sinh, chống già hóa dân số trong tương lai và đào tạo nhân lực chất lượng cao...
Ngoài các giải pháp trên sẽ tiến hành cải cách toàn diện chính sách tiền lương trong khu vực DN. Nhà nước chỉ can thiệp vào lương tối thiểu để làm cơ sở cho DN và người lao động thỏa thuận…
“Đây sẽ là động lực cho DN phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng và thực sự là những chiến sĩ tiên phong trong công cuộc kiến tạo và xây dựng đất nước”, Người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tin tưởng.