"Sếu đầu đàn" sẽ làm thay đổi nền kinh tế
Nếu như một vài năm trước, khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang dẫn đầu nền kinh tế, thì bức tranh đó nay đã đổi chiều...
Công bố Sách trắng Doanh nghiệp, số liệu tính đến cuối 2017, cho thấy khối doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ dẫn đầu với doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước vượt cả khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp Nhà nước.
Dẫn số liệu Sách trắng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 11,7 triệu tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng.
Đóng góp 63% sản phẩm quốc nội và 41% thuế ngân sách, TP. Hồ Chí Minh đang có sự phát triển mạnh của khu vực tư nhân
Khu vực kinh tế tư nhân theo đánh giá, đã tăng trưởng ấn tượng cả về số vốn, lợi nhuận. Cùng với đó, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Từ đó, tạo nền tảng quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 đạt cao nhất khi có 131.275 doanh nghiệp, với 1,47 triệu tỷ đồng vốn đăng ký.
Tuy nhiên, xét số liệu chỉ cách vài năm trước đó, Tổng cục Thống kê công bố Tổng điều tra kinh tế là số lượng doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2016 ít nhưng thuế và các khoản đã nộp lại đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/doanh nghiệp. Mức này được Tổng cục Thống kê đánh giá là cao hơn nhiều so với khối FDI chỉ 18 tỷ đồng/doanh nghiệp và ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trung bình là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Đánh giá về số liệu 2016, các chuyên gia thống kê cho rằng ở tại thời điểm quy mô vốn lớn và hiệu quả theo mô hình hoạt động vẫn đang là lợi thế để các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục dẫn đầu, vượt qua doanh nghiệp ngoài Nhà nước đa phần có quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu. Đáng chú ý là đóng góp cho ngân sách từ cổ tức và lợi nhuận sau thuế cũng là lợi thế khiến khối doanh nghiệp Nhà nước vượt khối tư nhân ở 2016.
Có thể thấy là số liệu chỉ sau vài năm, đã thay đổi ngoạn mục và đáng kể. Cùng với sự vươn lên khối tư nhân, dễ hiểu rằng hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước cũng đã đóng góp làm giảm "lợi thế" cổ tức đầu tư thu được từ khối doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, bức tranh kinh doanh chung thực tế cũng đã thay đổi với hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân ngày càng xứng đáng sếu đầu đàn dẫn dắt không chỉ ở hệ sinh thái của mình mà còn của toàn nền kinh tế.
Dù vậy, trong nhóm đóng thuế cao cho Nhà nước, khối tư nhân vẫn còn hạn chế khi trong top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất thì có 5 doanh nghiệp nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa xuất hiện doanh nghiệp tư nhân - xét theo liên tục trong 3 năm. Dù vậy gánh đóng góp khoảng 40% GDP và mục tiêu phấn đấu đạt 60% trong năm 2030, những "con sếu đầu đàn" trong thành phần kinh tế tư nhân đang chịu những trọng trách lớn.
Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch HDBank từng chia sẻ, trong khoảng trên 10 năm gần đây khi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp tư nhân đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức đến từ nền tảng luật pháp và quan niệm cố hữu của cộng đồng về khu vực tư nhân. Bên cạnh đó là những vấn đề về quản lý nhà nước, về xung đột lợi ích cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh.
CEO Vietjet nói rằng để vượt qua các thách thức, doanh nghiệp tư nhân cần có chiến lược đúng đắn, trước hết là mục tiêu chiến lược phải lành mạnh, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế xã hội, từ đó nhất định phải tạo ra những giá trị mới, tạo ra sức bật tăng trưởng mới. Khu vực tư nhân cần phải xác định rõ ràng lợi thế của mình là gì, vì phát triển sau khu vực kinh tế nhà nước nên cần phải nhanh chóng ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới, hiện đại trong quá trình phát triển.
Cùng với thách thức phải xác định lợi thế của mình, quản trị và mở rộng quy mô luôn là bài toán đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù nền kinh tế đã có và đang được dẫn dắt bởi sự đóng góp của các "sếu đầu đàn" như Vingroup, Thaco, Vinamilk, Vietjet... và nhiều doanh nghiệp khác, nhưng đại đa số doanh nghiệp còn lại trong khu vực tư nhân đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Quản trị, thu nhập, việc làm lao động... của đại đa số các doanh nghiệp đều là nút thắt khiến muốn đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại hay mở rộng, có nhiều khó khăn.
Tuổi đời của doanh nghiệp tư nhân cũng là 1 bài toán mà kịch bản "tăng trưởng nhanh, phát triển Thánh Gióng" chỉ dành cho số ít. Phần đông các doanh nghiệp tư nhân có tuổi đời ngắn, dễ "rơi rụng". Đó có lẽ cũng là lý do khiến TP. Hồ Chí Minh, một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp dẫn đầu trên cả nước cả về đang hoạt động, đăng ký mới hoặc đóng cửa luôn ở vị trí cao - Nhưng cũng có những thời điểm tốc độ tăng doanh nghiệp cũng "văng" ra khỏi nhóm dẫn đầu (theo Sách Trắng, 2017 TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 18 về tốc độ tăng doanh nghiệp và có 228.267 doanh nghiệp hoạt động).
Chuyên gia Kinh tế Huỳnh Trung Minh cho rằng việc "gắn" các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, quy mô nhỏ vào các nhịp vỗ cánh của những sếu đầu đàn, theo đó, cần cả không gian, chính sách khuyến khích phát triển hệ sinh thái của từng địa phương, vùng và nền kinh tế. Đồng thời, còn cần cả nỗ lực vận động của chính doanh nghiệp để trụ lại và kéo dài tuổi đời của mình.