Siết chặt công tác quản lý sử dụng nhà ở công vụ
(Taichinh) - Căn cứ Luật Nhà ở sửa đổi, Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ đang được Bộ Xây dựng gửi lấy ý kiến. Dự thảo sẽ được sửa đổi, bổ sung một số điều và thay thế Thông tư số 01/2014/TT-BXD ngày 16/01/2014 về Hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ. Với nhiều quy định chặt chẽ, các chuyên gia cho rằng, Dự thảo sẽ hạn chế được những bất cập trong công tác quản lý sử dụng nhà ở công vụ trước đó, đặc biệt là tình trạng sử dụng nhà công vụ sai đối tượng, sai mục đích, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Việc làm cấp thiết
Nhà công vụ là loại nhà ở cấp cho những đối tượng theo yêu cầu công tác chuyển về, nhưng không có nhà ở nên được các cơ quan hữu quan tạo điều kiện về chỗ ở. Tuy nhiên, do công tác quản lý sử dụng còn nhiều bất cập nên tình trạng sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích, sai đối tượng đã diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.
Nhiều trường hợp, vì các lý do khác nhau đã không chịu trả lại nhà, một số cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương dù hết tiêu chuẩn gặp khó khăn hoặc đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục sử dụng nhà công vụ. Thậm chí, nhiều trường hợp sang nhượng lại cho con cháu, không sử dụng hoặc khóa cửa để đấy.
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ, cho thu hồi nhiều nhà ở công vụ, đồng thời đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp nhằm nâng cao công tác quản lý sử dụng hợp lý nhà ở công vụ. Căn cứ Luật Nhà ở năm 2005, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan đã cho ban hành nhiều văn bản quy định của pháp luật nhằm hướng dẫn công tác quản lý sử dụng nhà ở công vụ, trong đó có Thông tư số 01/2014/TT-BXD ngày 16/01/2014 về hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ. Tuy nhiên, xét theo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, để phù hợp thực tế, Bộ Xây dựng đã tiếp tục cho soạn thảo Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý sử dụng và đang được tiếp thu lấy ý kiến từ các ban, ngành, địa phương để thay thế Thông tư 01/2014/TT-BXD.
Theo Dự thảo, Thông tư sẽ quy định cụ thể hơn về một số nội dung quản lý sử dụng nhà ở công vụ (kể cả trang bị nội thất cơ bản gắn với nhà ở công vụ đó), bao gồm: báo cáo nhu cầu và lập kế hoạch phát triển nhà ở công vụ; nguyên tắc quản lý sử dụng nhà ở công vụ; trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở công vụ; phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở công vụ; hợp đồng thuê nhà ở công vụ...
Quy định chặt chẽ trong quản lý
Thực tế cho thấy, những quy định chặt chẽ trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở công vụ không những góp phần tạo thuận lợi trong phân phối, sử dụng nhà ở hợp lý, mà còn tạo điều kiện tốt cho các cán bộ có nhà ở hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ thực tế đó, nhằm hạn chế việc sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích, đối tượng, tại khoản 1, Điều 4 của Dự thảo đã quy định rõ: “a) Nhà ở công vụ phải được quản lý chặt chẽ trong quá trình sử dụng, không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng; việc cho thuê phải đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo quy định; b) Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác, hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ; c) Đối với nhà ở công vụ của Chính phủ thì việc quản lý, bố trí cho thuê thực hiện theo quy định tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 07/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ”.
Việc quản lý sử dụng trang bị nội thất của nhà ở công vụ được quy định cụ thể như lựa chọn thiết bị, vật dụng nội thất để trang bị phải phù hợp với công năng, diện tích, không gian của từng phòng trong căn hộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện trang bị nội thất cơ bản nhà ở công vụ đối với trường hợp đầu tư xây dựng mới nhà ở công vụ hoặc mua căn hộ chưa có trang thiết bị nội thất để bố trí làm nhà ở công vụ…; thiết bị, vật dụng nội thất nhà ở công vụ được trang bị phải có niên hạn sử dụng tối thiểu 5 năm.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng về vấn đề này, ông Trịnh Hồng Quân, Trưởng Ban Quản lý Nhà ở công vụ - Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Căn cứ Luật Nhà ở sửa đổi, để đảm bảo tính đồng bộ, Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng nhà ở công vụ quy định cụ thể hơn về việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ, kể cả trang bị nội thất cơ bản gắn với nhà ở công vụ đó như nguyên tắc quản lý sử dụng nhà ở công vụ; trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở công vụ; phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở công vụ… Những quy định chặt chẽ này sẽ khắc phục được tồn tại trước đây khi các đối tượng được ở nhà ở công vụ tự ý thay thế nội thất, sửa sang lại nhà khiến đơn vị quản lý khó thu hồi.
Thông tư cũng hướng dẫn các biểu mẫu báo cáo về nhu cầu nhà ở công vụ cho các bộ, ngành địa phương, biểu mẫu báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Bộ Xây dựng về kế hoạch phát triển nhà ở công vụ. Để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng hợp lý nhà ở công vụ, công tác bảo hành, bảo trì, phá dỡ cải tạo nhà ở công vụ cũng sẽ được đảm bảo định kỳ theo quy định của Dự thảo Thông tư.
Với hàng loạt những bất cập, nhà ở công vụ từng được các đại biểu Quốc hội ví von như một kiểu tham nhũng. Việc đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp lúc này là việc làm hết sức cần thiết. Trên cơ sở kế thừa những quy định, nội dung hướng dẫn về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ trước đó, Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ đang được Bộ Xây dựng tiếp thu lấy ý kiến, kỳ vọng sẽ sớm hạn chế được những bất cập, đảm bảo tính phù hợp, đồng thời tạo công bằng xã hội.