Siết chặt quản lý Uber, Grab

Theo thoibaonganhang.vn

Mới đây, Bộ Giao thông Thái Lan cho biết nước này sẽ đình chỉ hoạt động của Uber và Grab taxi vì các dịch vụ này xung đột với dịch vụ đã có từ trước.

Dịch vụ UberMoto đã phải tạm thời dừng hoạt động tại Thái Lan. Nguồn: internet
Dịch vụ UberMoto đã phải tạm thời dừng hoạt động tại Thái Lan. Nguồn: internet

Theo Reuters, hiện nay Uber đã phải dừng hoạt động dịch vụ xe máy của mình tại Bangkok sau khi Chính phủ Thái Lan cho rằng nó đang xung đột với các dịch vụ taxi đang có hiện nay. Như vậy, tại Thái Lan, dịch vụ UberMoto đã tạm thời dừng hoạt động.

Thực tế, UberMoto được ra mắt thử nghiệm tại Bangkok 3 tháng trước với mục tiêu cạnh tranh với Grab. Trước đó dịch vụ này đã có mặt tại Ấn Độ và Indonesia, nơi mà xe máy trở thành giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế nạn tắc đường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động và phát triển, Uber cũng như Grab moto đã tác động không nhỏ đến lợi ích của những dịch vụ truyền thống, gây ra làn sóng phản đối của người dân nước này.

Chưa kể, vì hoạt động tự do, tự phát nên chuyện vi phạm pháp luật của những tài xế Uber, Grab cũng tăng. Theo thống kê mới đây, 66 lái xe cho cả 2 công ty này đã bị cảnh sát xử phạt và số tiền nộp phạt của mỗi cá nhân là khoảng 112 USD.

Hiện nay cả Uber và Grab đều đang duy trì dịch vụ của mình tại Việt Nam. Việc phát triển loại hình moto của 2 doanh nghiệp này chưa bị “tuýt còi” ở Việt Nam, song với taxi thì đã được đưa vào khuôn khổ.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải mới đưa ra dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó nêu rõ, xe taxi sẽ gồm taxi truyền thống tính tiền theo đồng hồ và taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử. Taxi truyền thống vẫn giữ nguyên mào taxi như hiện nay và có sơn, logo biểu trưng của doanh nghiệp, trong khi taxi công nghệ sẽ gắn mào Taxi E.

Tuy mới là dự thảo, song không ít tài xế Uber và Grab phản ứng vì cho rằng việc gắn hộp Taxi E lên xe sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công việc và cuộc sống của họ. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn họ là những người có công việc lái xe ổn định, song mức lương thấp nên muốn đăng ký làm taxi Uber, Grab để kiếm thêm thu nhập, vì vậy nếu quy định gắn mào Taxi E được thực thi, các taxi Uber hay Grab sẽ phải lắp, tháo dỡ mào liên tục gây phiền toái và mất thời gian.

Thực ra, những lý do này mang tính khách quan, song việc kinh doanh tự phát sẽ gây ảnh hưởng cho nhiều doanh nghiệp khác, đồng thời không công bằng với nhiều người. Về cơ bản, Uber hay Grab chỉ là các ứng dụng giúp kết nối người dùng với các lái xe. Chính CEO của Uber Việt Nam cũng thừa nhận, Uber là một công ty công nghệ chứ không phải là một công ty vận tải.

Đồng thời, Uber không thuê một tài xế nào, cũng không phải trả lương nhân viên, mà Uber chỉ là một ứng dụng kết nối người dùng và lái xe. Đây cũng là lý do chính khiến giá thành của các loại taxi công nghệ như Uber, Grab rẻ hơn loại hình taxi truyền thống. Cái lợi trước mắt là những tài xế này vừa có công việc ổn định, vừa có thu nhập thêm không bị đóng thuế.

Cụ thể, đối với Uber X, tài xế nhận doanh thu 5.000 đồng/km và 300 đồng/phút, tính theo thời gian tài xế online, mở phần mềm để tiếp nhận lệnh điều xe của Uber, thậm chí tài xế chỉ cần online, không có khách vẫn được trả từ 45 - 95 nghìn đồng/giờ tùy theo giờ thấp điểm, cao điểm. Con số này với Uber Black là 9.500 đồng/km và 800 đồng/phút. Uber thu 20% trên tổng doanh thu để duy trì phần mềm và để đảm bảo doanh thu tối thiểu trên mỗi giờ.

Nặng nề hơn, sự phát triển ồ ạt của Uber, Grab có thể gây sự phá sản của nhiều doanh nghiệp vận tải có đăng ký kinh doanh và đóng thuế doanh nghiệp hàng tháng. Điều này đã từng xảy ra ở một công ty Taxi lớn nhất San Francisco là Yellow Cab. Thương hiệu này vừa nộp đơn xin phá sản, một phần do cạnh tranh không lại với hình thức gọi taxi qua ứng dụng như Uber và Lyft.

Trong thư gửi tới cổ đông mới đây, bà Pamela Martinez - Chủ tịch Yellow Cab cho biết, nguyên nhân khiến hãng taxi lớn nhất San Francisco phá sản là do thua lỗ tài chính nghiêm trọng.

Có lẽ nhìn thấy tình trạng “lợi bất cập hại” ở loại hình vận tải mới này, nên hành động siết Uber và Grab để bảo vệ doanh nghiệp của chính phủ Thái Lan hay Việt Nam tính đến thời điểm này được cho là phù hợp.