Siết chặt việc sở hữu chéo ngân hàng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2018. Sau khi Luật chính thức được thực thi, nhiều ý kiến kỳ vọng đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 có nhiều nội dung mới đáng lưu ý, mà theo đó sẽ thay đổi nhiều chính sách quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD tập trung vào năm phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm các phương án như phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể, chuyển giao bắt buộc và phá sản.
Mấu chốt của Luật với định hướng tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020, trọng tâm là các biện pháp hỗ trợ các TCTD yếu kém. Luật sửa đổi, bổ sung có giải pháp cho bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), trích lập dự phòng, hỗ trợ. Các TCTD được mua bắt buộc có thể bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) hoặc nợ xấu có TSBĐ mà TSBĐ đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD,... được quy định rõ trong luật, bảo đảm minh bạch.
Ngoài ra, ngân hàng 0 đồng hiện đều đã có đề án tái cơ cấu trình lên Chính phủ nhưng vì những hạn chế trong luật cũ cho nên chưa được hiện thực hóa. Luật TCTD sửa đổi sẽ gỡ các nút thắt và cơ hội để hiện thực hóa đề án tái cơ cấu ngân hàng được phê duyệt. Nếu như trước đây, về tiền lệ, chưa có đủ công cụ pháp lý, thì nay, hành lang pháp lý đã sáng rõ khi áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung. Theo đó, việc cơ cấu lại các TCTD đã được kiểm soát đặc biệt hoặc đang thực hiện phương án xử lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã đưa ra quy định hạn chế về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông tại nhiều TCTD nhằm hạn chế tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lạm dụng vị thế cổ đông lớn tại nhiều TCTD để phục vụ cho các lợi ích liên quan. Theo đó, từ ngày 15-1, một cổ đông lớn và những người có liên quan tại một TCTD không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại TCTD khác.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại luật này khi TCTD đó lâm vào tình trạng phá sản. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, luật này sẽ góp phần khiến hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra nhanh hơn, giúp các ngân hàng đang tái cơ cấu sớm hoàn thành mục tiêu của mình và nhất là không ỷ lại vào việc luôn được NHNN bảo hộ và không cho phá sản. "Các ngân hàng sẽ phải tự tạo năng lực cạnh tranh để tự tồn tại.
Một điều rất lợi cho nền kinh tế là từ việc cạnh tranh bình đẳng, các ngân hàng sẽ không còn động thái tùy tiện nâng lãi suất để huy động vốn, vì việc nâng lãi suất trên mức bình quân của thị trường sẽ đưa ra tín hiệu là ngân hàng lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản, từ đó làm cho người gửi tiền cảnh giác với nguy cơ ngân hàng phá sản và tránh những ngân hàng nâng lãi suất cao. Từ nay, chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay sẽ được cân bằng do cung cầu và những tín hiệu minh bạch của thị trường, chứ không còn dựa vào "cơ chế bảo hộ" của NHNN".
Ngăn chặn nhóm lợi ích
Một quy định khác của Luật cũng đã làm xôn xao giới lãnh đạo ngân hàng khi một người không được cùng nắm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ngân hàng đồng thời là lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp khác. Theo nhiều ý kiến, mục đích bổ sung quy định này vào trong Luật nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của người quản lý, điều hành trong quá trình quản trị, điều hành TCTD.
Chính vì vậy, trong vòng hơn một tháng qua đã có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong diện phải thực hiện quy định mới đã lần lượt đưa ra lựa chọn. Người đầu tiên đưa ra quyết định này là ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng là Chủ tịch Tập đoàn DOJI, đã công bố quyết định lựa chọn của mình khi tọa đàm với cán bộ, nhân viên. Ông Phú sẽ ở lại nắm vị trí hiện nay tại TPBank. "Ở DOJI, chúng tôi đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương công việc. Thách thức, khó khăn còn nhiều nhưng những người cộng sự đã làm việc với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được", ông Phú chia sẻ.
Tương tự, bà Thái Hương, Tổng Giám đốc của Ngân hàng Bắc Á (BacA Bank), cũng vừa quyết định không đứng tên tại TH để làm Chủ tịch của BacA Bank. Hay như "ông trùm” bất động sản Dương Công Minh cũng đã sẵn sàng ở lại vị trí Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thay cho một vị trí khác.
Mặc dù vậy, thực tế trong giới ngân hàng hiện nay, nhiều lãnh đạo ngân hàng vẫn đang đồng thời là Chủ tịch, Thành viên Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc ở các doanh nghiệp khác vẫn chưa lên tiếng chính thức như Chủ tịch SHB, VIB, SeABank, NamABank, PVcomBank, VietABank, HDBank, ABBANK, Kienlongbank,…
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Luật có hiệu lực từ ngày 15/1 vừa qua, nhưng lãnh đạo các ngân hàng này có thể phải đợi đến Đại hội đồng cổ đông mới có thể đưa ra quyết định của mình vì còn phải tìm người thay thế. Ngoài ra, giới chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, quy định mới của Luật TCTD sửa đổi là phù hợp thông lệ quốc tế trong phòng ngừa rủi ro và là bước tiến mới nhằm "chặt vòi" bạch tuộc của sở hữu chéo và bảo đảm hoạt động an toàn của toàn hệ thống.