Số thu từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh
Năm 2020, số thu từ các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài đã thực hiện khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài số chi phí quảng cáo trên mạng 1.143 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là 519 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỷ đồng.
Đây là chia sẻ mới đây của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) với báo chí.
Bà Lan cho biết, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo cục thuế các địa phương tăng cường nhiều giải pháp quản lý thu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cục thuế các địa phương đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh mới này.
Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các địa phương đã phối hợp với các ngân hàng thương mại để kiểm soát dòng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…)
Đối với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, YouTube, Facebook, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo của các công ty này hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam.
Như vậy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các nhà thầu, tổ chức nước ngoài. Đối với số thuế đã kê khai nộp thay, các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế nên ngành Thuế đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, nhất là với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook.
Năm 2020, số thu từ các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài đã thực hiện khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài số chi phí quảng cáo trên mạng là 1.143 tỷ đồng (trong đó thuế giá trị gia tăng là 519 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỷ đồng).
Điển hình như, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử; rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương. Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với các doanh nghiệp có kinh doanh thương mại điện tử.
Tại Cục Thuế TP. Hà Nội, tính đến tháng 12/2020, hệ thống dữ liệu của ngành Thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook. Youtube … với tổng doanh thu của các cá nhân nhận lên tới 2.200 tỷ đồng. Đến nay, đã có 333 cá nhân đã nộp thuế với số thuế đã nộp là 148 tỷ đồng, cá biệt, một cá nhân có doanh thu hơn 330 tỷ đồng đã nộp số thuế 23 tỷ đồng.
Căn cứ dữ liệu thu thập từ các đơn vị trung gian vận chuyển, cung cấp ứng dụng lưu trú, Cục Thuế TP. Hà Nội đang xây dựng cơ sở dữ liệu 2.307 địa chỉ cho thuê nhà, 31.244 cửa hàng có hoạt động kinh doanh TMĐT để thực hiện công tác quản lý thuế. Tính đến tháng 12/2020, Cục Thuế TP. Hà Nội đã triển khai triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra cá nhân nhận thu nhập từ quảng cáo trên các trang mạng ứng dụng: gồm 14 doanh nghiệp và 169 cá nhân với số tăng thu dự kiến là 68 tỷ đồng.
Tại TP. Hồ Chí Minh để quản lý và thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên các trang web, Facebook,… Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát 14.951 trang web. Từ đó, xác định 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế. Trong quá trình làm việc đã có 56 cá nhân tự giác kê khai với số thuế khai bổ sung và tiền chậm nộp là 1,83 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý qua kiểm tra đối với 580 doanh nghiệp và cá nhân với tổng số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 18,5 tỷ đồng.
Cục Thuế đã tiến hành rà soát 4.573 tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Trong đó, qua tuyên truyền vận động đã có 3.630 doanh nghiệp và cá nhân đã tự giác khai bổ sung với số thuế tự kê khai và số tiền chậm nộp 35,2 tỷ đồng. Qua kiểm tra, cơ quan quan thuế đã truy thu và phạt vi phạm hành chính đối với 103 trường hợp với tổng số tiền là 13 tỷ đồng.
Tại Cục Thuế TP. Đà Nẵng, lũy kế đến đầu tháng 01/2020, tổng số trang web kinh doanh thương mại điện tử đã được rà soát là 8.710 trang; trong đó xác định có 627 trường hợp người nộp thuế đã kê khai nộp thuế nhưng lập trang web để quảng cáo hoặc bán hàng trực tuyến qua mạng; có 8 trường hợp người nộp thuế tự giác kê khai nộp hoặc bị xử lý truy thu thuế và phạt với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là trên 24 tỷ đồng.
Hiện nay, Cục Thuế Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thực hiện rà soát các trang web kinh doanh thương mại điện tử còn lại và các trang web phát sinh mới qua rà soát để tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử trong thời gian tiếp theo.
Trong thời gian tới, cơ quan Thuế các cấp sẽ luôn đồng hành để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ theo đúng các quy định của pháp luật. Khi có vướng mắc phát sinh về việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ ngay với cơ quan thuế để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Theo quy định của pháp luật nếu người nộp thuế khai sai khi cơ quan thuế phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cũng như tính tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn thuế, theo quy định của pháp luật hiện hành có thể bị xử phạt từ 1-3 lần. Trường hợp nặng hơn, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó để tránh bị xử phạt, người nộp thuế cũng cần phải tìm hiểu về chính sách thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.