Sóc Trăng: Giảm thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm
Sóc Trăng được xem là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 45.000 - 47.000 ha thả nuôi mỗi năm. Tuy nhiên, những vụ tôm gần đây, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lớn và năm nay, tình hình cũng không có nhiều khả quan khi thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm giao mùa, điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển và gây hại trên tôm nuôi.
Theo lịch thả giống của ngành nông nghiệp Sóc Trăng hiện đang là thời điểm thả nuôi đợt 2 nhưng do thời tiết bất lợi, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con chủ động, chú trọng lựa chọn nguồn giống chất lượng, thả theo hình thức thăm dò, thả rải vụ với mật độ phù hợp trong khả năng quản lý. Đồng thời, bà con tích cực theo dõi khuyến cáo quan trắc môi trường, diễn biến thời tiết để phòng chống dịch bệnh, nhất là hai loại dịch bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng.
Tính đến giữa tháng 6, Sóc Trăng đã thả nuôi gần 15.600 ha tôm nước lợ (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng), nhưng hơn 3.500 ha bị thiệt hại (chiếm 25% diện tích thả nuôi), giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường nuôi biến động, ao nuôi không được xử lý triệt để, nguồn giống chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng tôm bị nhiễm bệnh chủ yếu là hoại tử gan tụy và đốm trắng. Các địa phương bị thiệt hại nặng tập trung tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp và người nuôi tôm trong tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp hạn chế tác động xấu của môi trường, giảm thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho biết, hiện Chi cục đang hướng dẫn hộ nuôi tôm thực hiện mô hình có hiệu quả và thông tin nhanh về tình hình thả nuôi, dịch bệnh, thị trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra; phổ biến giải pháp phòng trừ dịch bệnh, mô hình nuôi an toàn sạch bệnh.