Soi kỹ doanh nghiệp xuất khẩu vốn dưới 20 tỷ đồng
(Tài chính) Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan Việt Nam vừa thống nhất trình Bộ Tài chính các tiêu chí rủi ro đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản và doanh nghiệp xuất khẩu qua các nước có đường biên giới chung đất liền nhằm chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo đó, các doanh nghiệp vào tầm ngắm của cơ quan chức năng thuộc diện mới thành lập và hoạt động trong vòng 24 tháng, không có cơ sở vật chất như nhà xưởng, kho hàng và không trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu. Thời gian hoạt động của doanh nghiệp được tính từ khi phát sinh doanh thu.
Một loại doanh nghiệp khác cũng nằm trong tầm ngắm này là có vốn chủ sở hữu dưới 20 tỷ đồng và đăng ký kinh doanh từ 5 ngành nghề trở lên.
Sở dĩ có chuyện siết chặt kiểm soát với các doanh nghiệp nói trên bởi thời gian qua, câu chuyện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lợi dụng chính sách hoàn thuế của Nhà nước thực hiện các thủ đoạn như thông đồng với các cán bộ hải quan, cán bộ thuế biến chất để khai tăng về khối lượng hoặc giá bán của hàng xuất khẩu nhằm hưởng khống phần tiền hoàn thuế để chia nhau đã trở nên nổi cộm.
Thủ đoạn mà một số doanh nghiệp thực hiện là xin thủ tục tạm nhập khẩu hàng có thuế xuất nhập khẩu khá cao (20-30%) mà trong nước đang có nhu cầu, rồi tái xuất, xin hoàn thuế nhập khẩu và thuế GTGT (hàng tạm nhập tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và thuế GTGT). Tuy nhiên, trong thực tế doanh nghiệp mang toàn bộ số hàng này tiêu thụ trong nước rồi lập hồ sơ chứng từ xuất khẩu khống số hàng này để xin hoàn thuế nhập khẩu và GTGT.
Táo tợn hơn, các đối tượng còn thực hiện hành vi móc nối, câu kết để làm khống thủ tục xuất khẩu hoặc cùng một lô hàng nhưng làm thủ tục xuất khẩu nhiều lần để được hoàn thuế nhiều lần.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây, tại tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ trọng điểm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Kiên Giang... xuất hiện nhiều đối tượng có dấu hiệu xuất khống hàng hóa hoặc quay vòng hàng để được hoàn thuế GTGT.
Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là hợp thức hóa đầu vào bằng cách thu gom hóa đơn ở nhiều địa bàn, nhiều doanh nghiệp khác nhau, hợp thức hóa nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu hoặc lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng để khai sai chủng loại, khai khống số lượng hàng hóa nhằm tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu được hoàn thuế GTGT.
Tại các khu vực này, nhiều doanh nghiệp mọc lên với mục đích hoạt động xuất khẩu nhưng nhanh chóng giải thể sau khi đã nhận hàng chục tỉ đồng hoàn thuế GTGT. Các hành vi gian lận thuế này được các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, phức tạp.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 nghi phạm, để điều tra về hành vi thành lập doanh nghiệp “ma”, mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Các công ty và hộ kinh doanh này đều không hoạt động mà chỉ xuất khống hóa đơn mua bán, xuất khẩu hàng tạp hóa để chiếm đoạt 10% tiền hoàn thuế GTGT. Đến thời điểm bị phát hiện, nhóm này đã xuất hóa đơn khống lên tới 1.100 tỉ đồng, chiếm đoạt 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế chia nhau.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ Tài chính cũng đã tạm đình chỉ công tác và kỷ luật một số cán bộ thuế liên quan. Tại tỉnh An Giang, các cán bộ thuế bị tạm đình chỉ công tác bao gồm Chi Cục trưởng và Chi cục phó của Chi cục Thuế huyện An Phú, Trưởng phòng kê khai kế toán thuế và Trưởng phòng kiểm tra Cục Thuế tỉnh An Giang. Còn tại tỉnh Đồng Nai, các cá nhân bị tạm đình chỉ công tác là Chi Cục Trưởng của Chi cục thuế Thị xã Long Khánh và huyện Trảng Bom.
Ngoài ra, Cục trưởng và Cục phó Cục thuế tỉnh An Giang và Cục phó Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cũng bị kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý hoàn thuế, khấu trừ thuế, thu thuế GTGT trên địa bàn.