Sớm hay muộn Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ room tín dụng

Theo Lan Hương/laodong.vn

11 năm liền Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ hạn mức tín dụng như “chiếc vòng kim cô” đối với các ngân hàng. Không phủ nhận hiệu quả của công cụ này trong thời gian trước. Nhưng đến nay, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần thay đổi quan điểm khi các ngân hàng thương mại đã phải đáp ứng theo chuẩn BASEL II và tỉ lệ an toàn vốn CAR.

TS.Phạm Xuân Hoè cho rằng, sớm hay muộn Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc việc bỏ room tín dụng.
TS.Phạm Xuân Hoè cho rằng, sớm hay muộn Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc việc bỏ room tín dụng.

Phóng viên Báo Lao Động đã có buổi trò chuyện với ông Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) - về chủ đề này.

Theo ông, có nên bỏ room tín dụng?

Chúng ta cần phải cân nhắc không sử dụng công cụ hạn mức tín dụng để sử dụng các công cụ thị trường hơn.

Hiện Ngân hàng Nhà nước có trong tay nhiều công cụ khác để thay thế công cụ hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế và cũng thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn qua công cụ gián tiếp, thậm chí vẫn có thể dùng công cụ nửa hành chính, nửa thị trường.

Nếu bỏ room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng công cụ gì để kiểm soát cung tín dụng?

Thứ nhất, NHNN đã đưa ra lộ trình áp dụng Basell II cho các ngân hàng. Gần 20 ngân hàng thương mại đã đạt chuẩn này. Ở đó, đã kiểm soát tỉ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động của thị trường I, có nghĩa là ngân hàng thương mại chỉ được phép cho vay 80% nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và của các cá nhân trong nền kinh tế. Đây là một xà chặn về tăng trưởng tín dụng quá mức nếu như ngân hàng thương mại không huy động được vốn từ nền kinh tế. Ở đầu còn lại, NHNN không bơm thêm tiền cho kênh tín dụng, đương nhiên cung tiền không quá lớn để phải lo ngại lạm phát.

Ông Phạm Xuân Hoè cho rằng, hiện các ngân hàng đang phải áp dụng chuẩn Basell II và tỷ lệ an toàn vốn CAR và nhiều điều kiện khác nên không cần thiết phải áp room tín dụng.
Ông Phạm Xuân Hoè cho rằng, hiện các ngân hàng đang phải áp dụng chuẩn Basell II và tỷ lệ an toàn vốn CAR và nhiều điều kiện khác nên không cần thiết phải áp room tín dụng.

Theo chuẩn Basel II, ngân hàng phải duy trì hệ số an toàn vốn CAR, để kiểm soát những lĩnh vực rủi ro cao khi cho vay, đã có hệ số quy đổi rủi ro đối với tài sản có.

Các dư nợ cho vay với ngành bất động sản hay chứng khoán... đã được NHNN đẩy hệ số quy đổi với lĩnh vực bất động sản có hệ số quy đổi rủi ro lên 200%. Điều này có nghĩa là nếu ngân hàng muốn cho vay nhiều vào lĩnh vực rủi ro cao buộc họ phải tăng vốn tự có để đạt hệ số CAR. Như vậy, để tăng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao, họ phải tăng vốn tự có mới đạt CAR chuẩn, nếu không sẽ bị xử phạt.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng những năm gần đây không thể được xem là nóng với một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-7% (điều kiện bình thường không COVID-19).

Thứ ba, kênh tín dụng có thể tạo thêm nhiều tiền cho nền kinh tế khi các ngân hàng thương mại với thiên chức của mình có thể cho vay tạo tiền gửi qua đó tạo ra cung tiền lớn (tổng phương tiện thanh toán-M2 tăng trưởng quá mức). NHNN hoàn toàn có thể sử dụng công cụ gián tiếp là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 5% thậm chí 10% nếu thấy nguy cơ ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng quá mức làm tăng sốc về M2. Khi tăng tỉ lệ dữ trữ bắt buộc có nghĩa “nhốt nhiều tiền” ở tài khoản của tổ chức tín dụng tại NHNN, đồng nghĩa với việc các ngân hàng giảm đi đáng kể nguồn vốn để gia tăng tín dụng ra nền kinh tế, giảm hệ số nhân tiền.

Thứ tư, qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) mua bán giấy tờ có giá hằng ngày, NHNN có thể đưa ra loại tín phiếu NHNN bắt buộc các NHTM phải mua theo kỳ hạn, có thể có mức lãi suất hỗ trợ để TCTD không bị lỗ lớn do huy động được vốn mà không được cho vay ra. Đây là một công cụ vừa có tính thị trường, vừa hành chính, cũng rất mạnh khi muốn “nhốt tiền” huy động của ngân hàng thương mại để không thể mở rộng tín dụng. Công cụ này cũng đã từng được sử dụng trong giai đoạn năm 2011 - 2012.

Khi Ngân hàng Nhà nước vẫn cương quyết sử dụng công cụ “room tín dụng” thì vấn đề gì sẽ xảy ra, thưa ông?

Khi tiếp tục sử dụng công cụ hạn mức tín tụng sẽ tạo ra nhiều vấn đề lớn.

Vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh đang lớn, nhiều khách hàng đang bị ngừng trệ, giảm khả năng phục hồi quy mô sản xuất kinh doanh do ngân hàng hết room tín dụng. Hàng loạt người mua nhà đang bị chủ đầu tư phạt vì chậm nộp tiền cũng vì ngân hàng hết room.

Về mặt pháp lý, nếu đã có các công cụ khác gián tiếp để kiểm soát mức cung tín dụng ra nền kinh tế tốt hơn, nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải tiếp tục can thiệp bằng công cụ hành chính mạnh mẽ vào công việc kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế là không bình đẳng với doanh nghiệp khác và không phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Lạm phát ở Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy, công cụ chính sách tiền tệ không phát huy tác dụng để chúng ta cần phải cân nhắc không sử dụng công cụ hạn mức tín dụng.

Tôi còn lo ngại nữa là thanh khoản doanh nghiệp trong nền kinh tế suy giảm kiệt quệ, nợ lòng vòng thì trở thành nợ xấu chung cả nền kinh tế cũng như ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!