Sơn La tập trung phát triển kinh tế đạt kế hoạch năm
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đạt 8% năm 2025, tỉnh Sơn La đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với tư duy đổi mới, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt các mục tiêu. Nhờ đó, 4 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La đạt kết quả quan trọng. Nhiều lĩnh vực vượt qua khó khăn tiếp tục tăng trưởng đóng góp vào phát triển chung của Tỉnh.

Giữ vững chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La trong tháng 4 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả đầu ra hợp lý, tạo động lực cho người dân tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở chi nhánh.
Theo Chi cục Thống kê Sơn La, để giữ vững chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường, các ngành sản xuất chăn nuôi cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác để đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.
Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng
Mặc dù tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp giảm 20,43% so với cùng kỳ năm 2024, do kế hoạch điều tiết sản lượng điện sản xuất của Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia, dẫn đến chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 32,28% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2024. Trong mức tăng này có sự đóng góp lớn từ phục hồi và tăng trưởng của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 9,12%.
Phát triển kinh tế của Tỉnh trong 4 tháng có 11 sản phẩm chủ yếu sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Đá xây dựng tăng 6,29%; sữa tươi tiệt trùng tăng 6,83%; tinh bột sắn tăng 37,68%; cà phê rang nguyên hạt tăng 18,02%; cao su tăng 15,81%; xi măng Portland đen tăng 12,27%; điện thương phẩm tăng 9,86%; nước uống được tăng 4,88%.
Ở chiều ngược lại, có 6 sản phẩm sản xuất giảm gồm: Sữa chua, sữa và kem lên men hoặc axit hóa giảm 14,87%; đường RS giảm 4,39%; chè xanh giảm 24,57% do ảnh hưởng bởi sương muối; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc giảm 3,85%; sản phẩm in giảm 63,16%; điện sản xuất giảm 0,74%.
Hoạt động dịch vụ khởi sắc
Tháng 4 là thời điểm diễn ra nhiều kỳ nghỉ lễ quan trọng cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Do đó, nhu cầu tiêu dùng, vui chơi giải trí, lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành của người dân tăng cao làm tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tháng 4, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 4.930,06 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 4 tháng năm 2025, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 17.206,17 tỷ đồng, tăng 13,32%. Trong đó, 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 13.524,43 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2024 tăng 13,11%. Doanh thu hoạt động dịch vụ 4 tháng đầu năm 2025 đạt 3.681,74 tỷ đồng, tăng 14,07% so với cùng kỳ năm 2024 trong đó:doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.770,81 tỷ đồng, tăng 17,31%; dịch vụ lữ hành đạt 11,45 tỷ đồng, tăng 22,57%; dịch vụ khác đạt 1.899,48 tỷ đồng, tăng 11,38%.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách. Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước và nước ngoài...