Sử dụng công cụ bảo hiểm giá xăng dầu nhằm phòng ngừa rủi ro biến động giá
Để ứng phó, phòng ngừa rủi ro biến động về giá trong hoạt động kinh doanh nói chung và trong kinh doanh xăng dầu nói riêng, hầu hết doanh nghiệp các nước phát triển thường sử dụng công cụ bảo hiểm giá - giao dịch hàng hóa phái sinh. Đây là công cụ phổ biến, ngay cả Việt Nam, trong các văn bản pháp lý cũng cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được sử dụng công cụ phái sinh theo thông lệ quốc tế. Nếu doanh nghiệp xăng dầu sử dụng công cụ này sẽ đem lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công cụ bảo hiểm giá xăng dầu, do đây là nghiệp vụ có tính kỹ thuật, đòi hỏi năng lực, trình độ chuyên môn phân tích dự báo.
Giới thiệu
Xăng dầu là hàng hóa quan trọng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, an ninh và quốc phòng, đồng thời là yếu tố đầu vào của nhiều ngành chưa thể thay thế được. Cho tới hiện nay, xăng, dầu vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Dù là quốc gia có hoạt động khai thác, xuất khẩu và chế biến dầu mỏ, nhưng từ trước tháng 10/2018, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng gần 70% lượng xăng dầu từ thị trường thế giới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hiện nay, nguồn chế biến xăng, dầu của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng 75% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, giá cả xăng, dầu trong nước vẫn luôn phụ thuộc vào giá cả thị trường thế giới.
Biến động giá xăng dầu trở thành một trong những chủ đề nóng thu hút được sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Những biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến giá dầu. Số liệu cho thấy, trong kỳ điều chỉnh ngày 1/03/2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Đây cũng là diễn biến chung của dầu thô trên thị trường quốc tế, khi giá Brent vượt đỉnh 8 năm ở mức 111 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 4/3/2022. Mỗi lít xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 26.070 đồng; RON 95 là 26.830 đồng; Dầu hỏa là 19.970 đồng/lít; Dầu diesel là 21.310 đồng/lít; Dầu madut là 18.460 đồng/kg đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới...
Hiện nay, ở nước ta, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng, dầu thường sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá hoặc mua hàng hoá dự trữ khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động và đa dạng hoá nguồn cung cấp để tạo nguồn cung với mức giá thấp nhất. Trong khi đó, việc sử dụng công cụ bảo hiểm giá (Hedging) trong kinh doanh đối với doanh nghiệp (DN) xăng, dầu vẫn rất hạn hữu. Phương thức kinh doanh của DN xăng, dầu nước ta chủ yếu là mua trực tiếp từ các tổ chức cung cấp theo thời giá thế giới, không mua theo giá cố định giao tương lai. Một số ít DN sử dụng giao dịch phái sinh để phòng ngừa rủi ro biến động giá, nhưng đều thất bại.
Biến động giá xăng dầu và yêu cầu đặt ra đối với bảo hiểm giá xăng dầu
Tác động của biến động giá xăng dầu đến các nền kinh tế
Với việc quay trở lại vùng giá vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên sau năm 2014, giá dầu thô đang khiến cho nhiều ngành công nghiệp liên quan chịu tác động lớn, nhất là những ngành mà xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào.
Chẳng hạn, theo ước tính, xăng dầu chiếm tỷ trọng lên đến 30-37% trong giá thành của ngành Vận tải. Giá xăng tăng khiến cho nhiều DN trong lĩnh vực này rơi vào thế khó khăn. Để cân đối thu – chi: Vì tránh thua lỗ, nhiều DN vận tải buộc phải tăng giá cước, tuy nhiên việc này sẽ gây ra khó khăn trong việc giữ khách.
Không chỉ có vận tải, các ngành như khai thác và luyện kim cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Theo tính toán của Quỹ Quản lý tài sản Commonfund, năng lượng chiếm gần 10% chi phí sản xuất kim loại nói chung. Thậm chí, theo trang thông tin Reuters, đối với một số kim loại như nhôm, chi phí năng lượng có thể chiếm đến 40-50% giá thành sản xuất. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành mà còn ảnh hưởng đến quyết định sản xuất. Trong năm 2021, khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, một số khu vực sản xuất nhôm tại Tây Ban Nha, Pháp buộc phải cắt giảm sản lượng. Hành động này khiến cho nguồn cung bị thu hẹp và tiếp tục đẩy giá nhôm lên cao. Theo dự báo, nguồn cung nhôm thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1,5 triệu tấn trong năm 2022.
Giá dầu tăng đã khiến cho Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, hứng chịu lạm phát cao ở mức 3,8% (lần đầu tiên kể từ năm 1991), do ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển của hầu hết các hàng hóa. Baltic Dry Index - chỉ số đo lường cước vận chuyển của các chuyến hàng khô trên đường biển quốc tế, đạt kỷ lục ở mức 11.400 trong tháng 05/2008, gây áp lực lên giá cả nhiều hàng hóa trên thị trường như lương thực, thực phẩm, kim loại…
Tại Việt Nam, theo ước tính, chi tiêu cho xăng dầu chiếm tỷ trọng 1,5% trong tổng tiêu dùng của các hộ gia đình và chiếm 3,52% tổng chi phí trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, với vai trò là yếu tố ảnh hưởng không chỉ đến các ngành công nghiệp, mà còn đến hầu hết các hàng hóa tiêu dùng, do mặt hàng nào cũng trải qua quá trình vận chuyển, nên chi phí cho các hàng hóa khác cũng phải tăng theo, có thể buộc người dân cơ cấu lại hoặc cắt giảm chi tiêu. Theo ước tính, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến cho chỉ số giá tiêu dùng CPI, một trong các thước đo lạm phát, tăng 0,3% và đe dọa làm giảm GDP 10%.
Giá dầu thế giới khả năng vẫn tiếp tục tăng
Từ đầu năm đến giờ, giá dầu thô WTI trên Sở NYMEX đã tăng 27% trong khi giá Brent tăng 25%. Trong năm 2021, một số nhà phân tích cảnh báo rằng, giá dầu thô tăng tới 100 USD/thùng và gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, thì bước sang năm 2020, nhiều tổ chức đã dự báo rằng giá dầu thậm chí còn có thể tăng lên mức 150 USD/thùng, nếu cuộc chiến giữa Nga và Ukraina không sớm kết thúc và khi kinh tế thế giới hồi phục trở lại sau tác động của dịch COVID-19.
Gần như chắc chắn, nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ vượt ngưỡng kỷ lục 100 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong khi đó, nguồn cung dầu lại đang rất khó khăn để bắt kịp. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) - nhóm các quốc giả sản xuất dầu lớn tại trên thế giới cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng. Theo chuyên trang nghiên cứu Argus Media, trong tháng 1/2022, OPEC+ chỉ sản xuất được 37,94 triệu thùng/ngày, thấp hơn 800.000 thùng/ngày so với mục tiêu đề ra.
Theo công ty nghiên cứu năng lượng JTD Energy Services, khi mà nguồn cung liên tục thiếu hụt so với nhu cầu trong thời gian dài, giá dầu thô có thể đạt đến 120 USD/thùng, hoặc thậm chí 150 USD/thùng.
Lần cuối cùng giá dầu chạm đến vùng giá này là 14 năm trước, kéo dài trong 3 tháng (từ 05/2008-07/2008). Cụ thể, ngày 11/07/2008, giá Brent chạm đỉnh mọi thời đại 147,27 USD/thùng. Đây cũng là giai đoạn mà nguồn cung gặp nhiều gián đoạn, và các thành viên OPEC+ gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng theo nhu cầu như hiện nay. Theo một số nghiên cứu phát hành tại Brookings Institutions, giá dầu tiếp tục tăng kể cả khi tăng trưởng trong ngành bất động sản có dấu hiệu giảm tốc, phần nào gây áp lực giảm lên GDP Mỹ, cũng như làm giảm sức tiêu thụ nhiên liệu. Giá xăng dầu tăng cao kết hợp với sự suy yếu của nền kinh tế trong nửa cuối năm đã khiến cho tiêu thụ dầu tại Mỹ trong năm 2008 giảm 5,8% so với năm 2007, xuống 19,5 triệu thùng/ngày, mức giảm lớn nhất kể từ những năm 1980.
Có thể nói, biến động giá xăng dầu đã gây ra những tác động trực tiếp đến sự bất ổn của nền kinh tế, đẩy lạm phát gia tăng, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của các DN kinh doanh xăng dầu và đời sống người dân. Sự biến động của giá xăng dầu đã nổi lên tính cấp thiết về các biện pháp để giảm thiếu và phòng tránh rủi ro biến động giá. Hiện nay, trên thế giới, các DN kinh doanh xăng, dầu luôn coi bảo hiểm giá là công cụ chủ yếu, phổ biến sử dụng trong phòng ngừa rủi ro biến động giá. Các DN, trong đó có DN kinh doanh xăng dầu, nếu không có biện pháp phòng ngừa rủi ro biến động giá trong hoạt động kinh doanh sẽ không có hiệu quả.
Sử dụng hiệu quả công cụ bảo hiểm giá xăng, dầu
Bảo hiểm giá dựa trên nguyên tắc thỏa thuận ấn định cố định giá giao dịch cho một lô hàng tại một thời điểm trong một thời hạn nhất định, chuyển giao hàng trong tương lai. Nghiệp vụ này đặc trưng bởi việc trả thanh toán theo giá cố định và thu về giá thả nổi (floating) trên cơ sở hàng tháng trong một thời gian xác định. Ưu điểm của phương thức bảo hiểm giá là bảo vệ lợi ích của DN khi giá tăng; Không ảnh hưởng đến hợp đồng hàng thực (physical) đã ký với nhà cung cấp; Đơn giản và dễ điều hành. Tuy nhiên, phương thức này có nhiều bất lợi khi giá hạ. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro biến động giá trong hoạt động kinh doanh thông qua công cụ bảo hiểm sẽ giúp các DN, trong đó có DN kinh doanh xăng dầu nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã triển khai một loạt các sản phẩm năng lượng liên thông trực tiếp với các sở giao dịch trên thế giới. Hoạt động giao dịch, bảo hiểm giá được diễn ra liên tục 24 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Khác với các mặt hàng khác, dầu thô là một trong những loại hàng hóa biến động nhất so với các loại hàng hóa khác trên thế giới, nên hoạt động giao thương cần diễn ra liên tục, bất kể múi giờ, địa lý, để đảm bảo tính toàn cầu và nhanh chóng của loại mặt hàng này.
Về mặt hàng, các DN có thể tham gia bảo hiểm rủi ro bằng mặt hàng dầu WTI, dầu Brent, dầu ít lưu huỳnh, xăng pha chế RBOB hay khí tự nhiên. Mỗi mặt hàng đều có tầm quan trọng trong các hoạt động kinh doanh năng lượng, và việc sử dụng mặt hàng nào sẽ tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của DN.
Về sản phẩm, các DN hiện có thể giao dịch hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn và hợp đồng chênh lệch giá. Trong đó, hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn (futures) là công cụ đã rất phổ biến trên thế giới. Theo Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC), có khoảng 60% lượng vị thế mở trên thị trường dầu thế giới đến từ các DN kinh doanh xăng dầu. Điều này cho thấy sự phổ biến của công cụ này và đây chính là nền tảng cho các tập đoàn xăng dầu lớn trên thế giới hoạt động ổn định và phát triển vượt bậc như hiện nay. Tuy là nước đi sau, nhưng Việt Nam lại có lợi thế khi được học hỏi những công cụ đã chứng minh sự hiệu quả trên thế giới. Chúng ta không cần tốn chi phí cơ hội cho việc nghiên cứu, thử nghiệm các công cụ, mà chỉ cần áp dụng hiệu quả các công cụ này vào thực tế.
Trong các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, bên cạnh dầu WTI, dầu Brent, MXV cũng triển khai các sản phẩm khác như dầu Brent mini, dầu WTI mini và dầu WTI micro, là những hợp đồng có mức ký quỹ thấp hơn, phù hợp với các quy mô bảo hiểm giá nhỏ. Ví dụ, hợp đồng dầu WTI tiêu chuẩn có khối lượng 1.000 thùng và ký quỹ ở mức 8.360 USD/hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI micro và Brent Mini chỉ có khối lượng 100 thùng và ký quỹ chỉ ở mức 836 USD/thùng. Đây là mức ký quỹ rất thấp, mà ngay cả những nhà đầu tư nhỏ cũng có thể tham gia thị trường.
Theo kế hoạch phát triển sản phẩm, trong năm 2022, MXV sẽ sớm đưa vào triển khai hợp đồng quyền chọn (Options), là công cụ nâng cao nhưng rất hiệu quả trong nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro. Hợp đồng quyền chọn sẽ cung cấp cho các DN xăng dầu quyền mua hoặc không mua sản phẩm với mức giá cố định trong tương lai. Điều này mang đến lợi thế rất lớn trong bối cảnh giá xăng dầu biến động bất thường như hiện nay. Do vậy, các DN nói chung và DN kinh doanh xăng dầu nói riêng cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và sử dụng công cụ bảo hiểm giá xăng dầu nhằm ngăn ngừa những rủi ro biến động giá trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2014), Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu;
- Chính phủ (2021), Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của
- Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu;
- Ngô Trí Trung, Phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu tại Tập đoàn Petrolimex- Luận án Tiến sĩ;
- Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (2021), Báo cáo Giao dịch hàng hóa phái sinh 2021;
- Dự báo giá xăng dầu thế giới - Nhận định và xu hướng giá xăng dầu. Truy cập từ link: https://www.Chogia.vn.
* TS. Ngô Trí Trung - Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2022