Sử dụng đòn bẩy tài chính ra sao để đầu tư bất động sản hiệu quả, hạn chế rủi ro?
Đòn bẩy tài chính hay vay ngân hàng để đầu tư bất động sản (BĐS) là cách mà nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân lựa chọn. Nhưng vay bao nhiêu, định giá sản phẩm BĐS ra sao, có cách nào để đo được rủi ro tài chính?
Tại buổi chia sẻ thuộc chuỗi sự kiện The Quốc Khánh Show, các chuyên gia nhà đất đã chỉ ra cách để đo được rủi ro khi dùng đòn bẩy tài chính để mua BĐS.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, với 1 tỉ đồng trong tay, NĐT có thể vay thêm ngân hàng từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng để lựa chọn sản phẩm trên dưới 2 tỉ để đầu tư. Nguyên tắc là vay ngân hàng không quá 50% giá trị sản phẩm đầu tư nhằm hạn chế rủi ro.
Bà Dung dẫn chứng, chẳng hạn, bạn định đầu tư vào sản phẩm trị giá 2 tỉ đồng thì chỉ nên vay ngân hàng từ 800 – 1 tỉ đồng. Đòn bẩy tài chính rất có hiệu quả nếu chúng ta vay ở tỉ lệ 50% trở xuống của dự án. Nếu cao hơn nữa, gánh nặng tài chính là rất lớn.
Theo bà Dung, nếu đầu tư vào căn hộ tại Quận 9 thì khả năng NĐT cho thuê căn hộ 10 triệu đồng/tháng, tỉ suất lợi nhuận cho thuê thay vì trước đây có 1 tỉ đồng thì dạt khoảng 4%, bây giờ lên 2 tỉ đồng có thể đạt 6.5%/năm.
Hiện tại, việc siết chặt tín dụng BĐS cũng ảnh hưởng một phần đến việc dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS của NĐT cá nhân. Theo bà Dung, thông thường ngân hàng không sẵn lòng cho vay với dự án hình thành trong tương lai. Ngân hàng chỉ cho vay với các dự án có liên kết với ngân hàng. NĐT các nhân muốn đi vay ngân hàng để mua BĐS thì phải dùng tài sản riêng để thế chấp.
"NĐT cá nhân dùng đòn bẩy tài chính để mua BĐS sẽ có hiệu quả nếu biết tính toán mức vay, hiệu quả đầu tư và thời gian hoàn vay", bà Dung nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Công Chánh, chuyên giá BĐS cá nhân cho rằng: Theo tôi, NĐT dùng đòn bẩy để đầu tư BĐS là một cách thông minh. Tuy nhiên, để dùng đòn bẩy hiệu quả thì mình phải có các nguyên tắc.
Thứ nhất, phải có sản phẩm trước khi nghĩ đến vấn đề đòn bẩy: tức là phải lựa chọn được sản phẩm BĐS tiềm năng, có khả năng sinh lợi đầu tư.
Thứ hai, nắm được quy luật 2 lần 50%: nghĩa là tiền vay không được vượt quá 50% giá sản phẩm và tiền trả hàng tháng không quá 50% tổng thu nhập hộ gia đình hàng tháng.
Thứ ba, đặt ra những quy định chung trước khi cùng mua dự án: Nếu từ 2 người cùng góp vốn mua BĐS và vay ngân hàng thì cần đặt ra các quy tắc về thời gian thoát hàng, lợi nhuận…
Theo ông Chánh, trong kinh doanh BĐS vốn đến từ 4 nguồn là vốn tự có, vốn từ NĐT khác, vốn từ ngân hàng và vốn từ khách hàng. Nếu NĐT cá nhân không sử dụng vốn ngân hàng có thể linh hoạt để có nguồn vốn từ NĐT khác.
"Khi vay ngân hàng, NĐT cần lưu ý: Xem kỹ hợp đồng tín dụng, số tiền phải trả hàng tháng…", ông Chánh nhấn mạnh.
Nói về cách NĐT cá nhân định giá được sản phẩm BĐS trước khi "xuống tiền", bà Dung cho lời khuyên:
Thứ nhất, NĐT nên dùng phương pháp so sánh: Nhìn vào các sản phẩm tương tự như sản phẩm mình định đầu tư, xem có tương đồng về vị trí, quy cách, phân khúc, định vị sản phẩm, giá bán hay không, từ đó tự xác định. NĐT nên có tầm 5-6 sản phẩm tương đồng trong cùng khu vực để so sánh.
Thứ hai, phương pháp chi phí: NĐT cần xem xét, để đầu tư sẩn phẩm này thì chi phí đất là bao nhiêu? Chi phí xây dưng là bao nhiêu và lợi nhuận mong muốn là bao nhiêu? Từ đó xác định được giá trị của BĐS cần đầu tư.
Thứ ba, phương pháp thu nhập: Đây là phương pháp truyền thống. Đối với những sản phẩm đã hoàn thiện, đã đi vào hoạt động, đã có lợi tức cho thuê hàng tháng… thì NĐT xác định xem sản phẩm này có thể đem lại cho chúng ta mức thu nhập là bao nhiêu? Từ đó, NĐT sẽ xác định được mức tiền mình cần bỏ ra để đầu tư sinh lợi trên BĐS đó.