Sử dụng kinh phí chi thường xuyên bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm

Bích Thuỷ

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước được nêu trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Bộ Tài chính.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Bộ Tài chính được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực và theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Theo Chương trình, nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai, phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Về chỉ tiêu thực hiện, trong năm 2025, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khoá - ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Bộ Tài chính giao.

Kiên quyết triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế; phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển; chi ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết

Ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các đơn vị phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội hoặc bổ sung tăng chi đầu tư công.

Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng các hạng mục công trình bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.

Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương trình cũng nêu rõ giải pháp thực hiện trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Trong đó, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong tất cả các khâu lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán ngân sách nhà nước. Hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách để chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hiện đại hoá công tác quản lý, tiết kiệm nguồn lực. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ dự án đầu tư công, quản lý tài sản công và ngân sách nhà nước, đẩy mạnh số hoá quy trình phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công, lập dự toán và công tác kế toán, quyết toán ngân sách nhà nước, quản lý, giám sát vốn đầu tư công…